Quy định mới về mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 20/2014/TT-NHNN quy định về các khoản thu, tạm ứng của Công ty Quản lý nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC) đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Quy định mới về mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt
VAMC sẽ thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt bằng các khoản tiền và tài sản. Nguồn: internet

Từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua hơn 52.000 tỷ đồng nợ xấu, thay vì để các ngân hàng tự “giấu sau lưng”. Công ty đã nỗ lực trong khả năng của mình như phân loại, xem xét phương án tái cơ cấu nợ cho một số khách hàng có khả năng phục hồi kinh doanh, trực tiếp và ủy quyền cùng với tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm, ủy quyền cho các tổ chức khởi kiện một số khách hàng liên quan đến một số khoản nợ. Nhưng mục tiêu trở thành công cụ đặc biệt để xử lý nợ xấu thì VAMC chưa đạt được. 

Trong năm 2014 VAMC đặt mục tiêu sẽ mua tối thiểu 70.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng đến thời điểm tháng 7/2014 số nợ công ty gom được mới chỉ trên 11.000 tỷ đồng, chưa tới 20% số đã cam kết. Do vậy, việc đẩy nhanh quá trình mua bán nợ của VAMC từ nay đến cuối năm được Ngân hàng Nhà nước chú trọng. Một trong những điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước là ban hành Thông tư 20/2014/TT-NHNN quy định về các khoản thu, tạm ứng của VAMC đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo đó, VAMC sẽ thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt bằng các khoản tiền và tài sản: Số tiền thu được từ việc bán nợ, bao gồm cả trường hợp bán lại nợ cho chính tổ chức tín dụng bán nợ trước thời điểm trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán; số tiền thu từ các hoạt động khai thác, cho thuê, bán tài sản bảo đảm; số tiền khách hàng vay trả nợ (bao gồm cả gốc lãi); số tiền do bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán hoặc do bên thứ ba khác trả nợ thay cho khách hàng vay; giá trị khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần tại khách hàng vay do chuyển nợ thành vốn điều lệ, vốn cổ phần.

Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc xác định khoản tạm ứng trên số dư nợ gốc là khoản tạm ứng của tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC để VAMC có nguồn trang trải các chi phí liên quan đến xử lý nợ xấu. VAMC sẽ được hưởng số tiền tương ứng với một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ. Cụ thể là, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 1 hàng năm, tổ chức tín dụng bán nợ phải chuyển cho VAMC các khoản tạm ứng của năm trước liền kề tương ứng với một tỷ lệ trên số dư nợ gốc thực tế bình quân năm của các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của năm trước liền kề.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thống nhất với Bộ Tài chính quyết định các tỷ lệ trên trong từng thời kỳ nhưng theo nguyên tắc đảm bảo VAMC có đủ nguồn thu bù đắp chi phí hoạt động, thúc đẩy việc xử lý nợ xấu, hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.

Thông tư 20 được ban hành sẽ giải quyết một phần những khó khăn mà VAMC đang gặp phải và nhằm đảm bảo cho tiến độ mua bán nợ của VAMC đạt được 70.000 tỷ đồng, trong năm 2014.