Quy định mới về quản lý, tính hao mòn tài sản hạ tầng hàng hải

Thùy Linh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 72/2025/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Thông tư nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn thuộc kết cấu hạ tầng hàng hải quốc gia.

Việc ban hành Thông tư 72/2025/TT-BTC sẽ giúp chuẩn hóa quy trình hạch toán, quản lý và giám sát hiệu quả nhóm tài sản công quan trọng trong lĩnh vực hàng hải.
Việc ban hành Thông tư 72/2025/TT-BTC sẽ giúp chuẩn hóa quy trình hạch toán, quản lý và giám sát hiệu quả nhóm tài sản công quan trọng trong lĩnh vực hàng hải.

Theo quy định tại Thông tư, các loại tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được xác định nguyên giá, giá trị còn lại và tính hao mòn bao gồm: bến cảng, bến phao; trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho, bãi, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác trong khu vực bến cảng; hệ thống thông tin giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện, nước trong khu vực bến cảng; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch; khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển; cùng các loại tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải khác.

Việc xác định tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được quy định như sau: Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản. Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó, cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản. Trường hợp một hệ thống được giao cho nhiều cơ quan quản lý tài sản thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan quản lý là một tài sản.

Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải quy định trên được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 2 tiêu chuẩn sau đây: 1- Có thời gian sử dụng từ 1 (một) năm trở lên; 2- Có nguyên giá từ 30 triệu đồng trở lên.

Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Các chỉ tiêu về nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại của tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải xác định là tài sản cố định là số nguyên; trường hợp kết quả xác định các chỉ tiêu này là số thập phân thì được làm tròn theo quy định tại pháp luật về kế toán.

Mỗi một tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là một đối tượng ghi sổ kế toán. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại của tài sản.

Thông tư cũng quy định cụ thể thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn hàng năm đối với từng loại tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Cụ thể, bến cảng có thời gian sử dụng để tính hao mòn là 50 năm với tỷ lệ 2% mỗi năm; bến phao là 20 năm với tỷ lệ 5%.

Đối với các công trình như trụ sở, nhà xưởng, nhà trạm điều hành hệ thống VTS, đê chắn sóng, kè hướng dòng, nếu phân theo cấp công trình thì cấp I có thời gian sử dụng là 80 năm và tỷ lệ hao mòn 1,25%, cấp II là 50 năm với tỷ lệ 2%, cấp III là 25 năm với tỷ lệ 4%, và cấp IV là 15 năm với tỷ lệ 6,67%. Kho, bãi được tính hao mòn trong 25 năm với tỷ lệ 4%.

Hệ thống thông tin giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện, nước trong khu vực bến cảng có thời gian sử dụng là 10 năm và tỷ lệ hao mòn 10%. Các luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh trú bão đều có thời gian sử dụng 50 năm và tỷ lệ hao mòn là 2% mỗi năm. Đối với các tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải khác, thời gian sử dụng là 10 năm với tỷ lệ hao mòn 10% mỗi năm.

Công thức tính mức hao mòn hàng năm của từng tài sản được quy định như sau: mức hao mòn hằng năm bằng nguyên giá của tài sản nhân với tỷ lệ hao mòn (% năm).