Loạt bài: Vững tay điều hành giá trước những cơn sóng lớn

Bài 3: Ngược sóng, ngược gió tìm kịch bản cho những tháng cuối năm

Hương Dịu

Giai đoạn nửa cuối năm 2025 đang đặt các giải pháp điều hành giá không còn đơn thuần là phản ứng với thị trường, mà phải trở thành một công cụ chiến lược để đối phó với những thách thức từ bên ngoài, đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu từ bên trong. 

Bài 1: Hiệu quả từ những “van giảm áp” trong nửa đầu năm

Bài 2: Trụ cột chính sách tài khoá, "làm mềm" áp lực lên CPI

Khi kinh tế toàn cầu “lộng gió”

Bối cảnh kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục mang đến nhiều lo ngại, với dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cùng các “điểm nóng” xung đột. Đặc biệt, cú xoay chuyển chính sách từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế đối ứng ở mức cao đã tạo ra cơn gió ngược dai dẳng.

Cho đến nay, mức thuế đối ứng cụ thể cho Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, nhưng theo các chuyên gia, dù ở mức độ nào thì Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.

Các doanh nghiệp lo ngại biến động giá USD đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ: H.Dịu
Các doanh nghiệp lo ngại biến động giá USD đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ: H.Dịu

GS.TS. Nguyễn Trọng Cơ – Học viện Tài chính cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và nhập khẩu, nên sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đều có thể tạo ra những làn sóng ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam và từ đó tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Phân tích cụ thể, theo GS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, việc tăng thuế sẽ khiến tỷ giá VND mất giá do giảm xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu (đặc biệt là xăng dầu, nguyên liệu sản xuất), trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ lên cao.

Hơn nữa, việc giảm sản xuất, giảm việc làm và thu nhập sẽ làm giảm tổng cầu, gây áp lực giảm giá ở một số mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu hoặc dịch vụ. Điều này có thể đẩy CPI tăng cao hơn dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2025.

Cũng nói về biến động tỷ giá, báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán MBS mới đây đã nêu, dù USD được dự báo sẽ tiếp tục đà giảm về cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhưng MBS cho rằng các áp lực nội tại sẽ là yếu tố chính góp phần làm tăng áp lực lên tỷ giá.

Bài 3: Ngược sóng, ngược gió tìm kịch bản cho những tháng cuối năm - Ảnh 1

Thứ nhất, bộ đệm quan trọng cho tỷ giá USD/VND là hoạt động xuất khẩu, được dự báo sẽ chậm lại do các doanh nghiệp đã phần lớn hoàn tất việc giao hàng trước khi thời hạn hoãn thuế quan kết thúc kéo theo việc nhu cầu quốc tế có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Trên thực tế, theo báo cáo PMI của S&P trong tháng 6, đơn hàng xuất khẩu đã giảm liên tục trong 8 tháng liên tiếp, với mức giảm trong tháng 6 là mạnh nhất trong 2 năm qua.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND-USD có thể tiếp tục nới rộng khi MBS cho rằng lãi suất tiền gửi vẫn còn dư địa giảm trong quý III/2025. Nên các chuyên gia MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 26.600-26.750 VND/USD vào cuối năm, tương ứng với mức tăng 4,5-5% so với đầu năm.

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá cả trong những tháng cuối năm 2025 là việc cung tiền và tín dụng tăng mạnh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%.

Một lượng tiền lớn được đưa vào nền kinh tế trong bối cảnh phải duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực lạm phát, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Nguồn số liệu: NHNN. Biểu đồ: Ngô Hoàn
Nguồn số liệu: NHNN. Biểu đồ: Ngô Hoàn

Kịch bản nào cho những tháng cuối năm?

Mặc dù bức tranh thách thức hiện lên khá rõ nét, nhưng vẫn còn những yếu tố cân bằng quan trọng, tạo ra dư địa cho công tác điều hành. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, các yếu tố tác động CPI tăng/giảm đan xen, những tháng còn lại của năm 2025 cũng có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát.

 

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025.

Vì thế, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2025 không lớn hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2024. Do vậy, tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm 2025 được dự báo cũng sẽ không lớn.

Việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ do thuế quan cũng như tại các thị trường khác do tăng trưởng kinh tế thấp sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát.

Một yếu tố thuận lợi khác là giá các hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan.

“Với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá, năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%.

TS. Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm nên giá hàng hoá khó tăng cao, nên CPI bình quân cả năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8-4,2%.

Tương tự, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ dao động từ 4,0-4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nhìn chung, các chuyên gia đều đặt niềm tin vào năng lực và sự linh hoạt trong công tác điều hành giá của các cơ quan chức năng, mà vai trò quan trọng là Bộ Tài chính. Đây cũng là yếu tố quan trọng để gia tăng niềm tin và động lực cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.