Quy định rõ đối tượng để tránh vướng mắc trong bố trí vốn cấp bù lãi suất
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để tránh vướng mắc trong bố trí vốn; đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong lập kế hoạch đầu tư công trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các ngân hàng thương mại.
Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Bộ Tài chính cho biết, Khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công quy định đối tượng đầu tư công: “Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi... Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng quy định tại khoản này”. Tuy nhiên, một số chương trình cấp bù lãi suất qua các ngân hàng thương mại trước đây hiện nay vẫn chưa được bố trí đầy đủ nguồn để triển khai thực hiện.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định cụ thể đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi bao gồm: Cấp bù lãi suất qua các ngân hàng chính sách và cấp bù lãi suất qua các ngân hàng thương mại để tránh vướng mắc trong việc bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công.
Về quy định đơn vị là đầu mối được giao kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 40 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, lập báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, thực hiện chức năng quản lý nhà các ngân hàng thương mại, đồng thời là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Theo Bộ Tài chính, do các chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng) nên Ngân hàng Nhà nước có công cụ và biện pháp để theo dõi, quản lý, giám sát hoạt động cho vay và hỗ trợ lãi suất thông qua việc kiểm tra, thanh tra của Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị chức năng.
Vì vậy, căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước không chỉ dừng lại ở khâu tổng hợp nhu cầu, mà còn trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư công trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các ngân hàng thương mại để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính ví dụ như hiện nay, tại Nghị định số 31/2020/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch đầu tư công và có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại đảm bảo trong phạm vi tổng hạn mức để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Theo đó, sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP theo hướng Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư công trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách được cấp có thẩm quyền quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, lập báo cáo và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.