Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đầu tư công
Tham gia ý kiến về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Bổ sung điều kiện kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn
Về xử lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương hằng năm không giải ngân hết không được phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP theo hướng đối với số vốn không giải ngân hết trong năm kế hoạch, không cắt giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho phép các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương các năm còn lại tương ứng với số vốn không giải ngân hết này.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất này có thể rủi ro cho công tác xây dựng dự toán và điều hành ngân sách nhà nước, nhất là việc bố trí cân đối ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và quản lý nợ công. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung điều kiện để thực hiện.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát giảm việc khởi công mới các dự án để ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chậm giải ngân vốn năm trước chuyển sang năm sau; chỉ được bố trí vốn trong phạm vi dự toán được giao năm sau. Đồng thời, dự toán ngân sách nhà nước năm sau không bố trí “cấp bù” số vốn chậm giải ngân, bị hủy bỏ của năm trước.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ cơ chế và thời điểm các bộ, địa phương báo cáo số vốn bị hủy dự toán với cơ quan Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính do nguồn vốn này có phương thức giải ngân theo tài khoản đặc biệt, tại từng thời điểm sẽ có số dự tài khoản đặc biệt, số này có được coi là không giải ngân hết và bị hủy hay không.
Gắn trách nhiệm của chủ thể quản lý
Đối với các trường hợp được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm, Bộ Tài chính cho biết, Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 quy định, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP cũng đã quy định về 7 trường hợp được kéo dài kế hoạch vốn. Tuy nhiên, theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, nhiều trường hợp chưa phải là “bất khả kháng” theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ví dụ như trường hợp bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ có duy nhất 01 dự án trong năm kế hoạch, dự án quan trọng quốc gia; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; dự án cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài…
Điểm đ Khoản 1 Điều 48 quy định, dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Tuy nhiên, chưa có quy định cấp có thẩm quyền xác định tính chất các dự án này.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, quy định rõ nội dung “bất khả kháng” theo quy định của Luật Đầu tư công, nghiên cứu, bổ sung quy định về chủ thể có thẩm quyền quyết định dự án thuộc tiêu chí nêu trên để gắn trách nhiệm của chủ thể quản lý.
Thêm trường hợp được kéo dài giải ngân kế hoạch vốn
Cũng liên quan đến kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm, Bộ Tài chính cho biết, Khoản 1 Điều 48 quy định các trường hợp đối với vốn đầu tư công bố trí cho dự án, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung trường hợp đối với nhiệm vụ (chuẩn bị đầu tư, quy hoạch). Tuy nhiên, chưa có quy định đối với vốn không bố trí thông qua dự án như: vốn cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung trường hợp được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn sang năm sau đối với nguồn vốn cấp cho các ngân hàng chính sách và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đảm bảo đầy đủ các đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, vốn cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là nguồn vốn đầu tư công mang tính đặc thù, sử dụng hàng năm cho toàn bộ hoạt động của ngân hàng và quỹ mà không phân chia cụ thể theo tiến độ và thời hạn thực hiện như các dự án đầu tư công thông thường khác.
Việc cấp vốn phụ thuộc vào nhu cầu và hiệu quả sử dụng vốn, trong đó, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan (như lãi suất trên thị trường, nhu cầu vay vốn của khách hàng...). Do đó, việc bổ sung quy định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn cho các ngân hàng chính sách và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sẽ đảm bảo điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn, tránh việc dồn cấp hết số dự toán giao trong năm khi vốn của đơn vị sử dụng chưa hiệu quả.
Bộ Tài chính thống nhất đối với 02 trường hợp kéo dài dự án sử dụng vốn nước ngoài tại điểm g, k khoản 1 Điều 48. Tuy nhiên, Bộ đề nghị làm rõ trong các trường hợp kéo dài kế hoạch vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi có áp dụng đối với vốn đối ứng hay không. Thực tế có nhiều trường hợp vốn đối ứng vẫn được bố trí cho các hạng mục công việc sau khi kết thúc giải ngân phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi.