Quy định về nghĩa vụ tài chính của Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân
(Tài chính) Ngày 23/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 09/2014/QĐ-TTg về nghĩa vụ tài chính của Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân, phương thức quản lý nguồn tài chính đảm bảo chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.
Quyết định này áp dụng đối với Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc trích, lập, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.
Nội dung Quyết định nêu rõ: “Quỹ đảm bảo nghĩa vụ tài chính (sau đây gọi tắt là Quỹ) là quỹ do Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân quản lý, được thành lập nhằm bảo đảm đủ nguồn kinh phí cho việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân”. Nguồn thu của Quỹ bao gồm:
- Nguồn tích lũy từ doanh thu bán điện: Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải trích từ doanh thu bán điện hàng năm để nộp vào Quỹ; nguồn tích lũy này được hạch toán vào giá thành sản xuất điện của nhà máy điện hạt nhân. Tỷ lệ trích trên doanh thu bán điện hàng năm của nhà máy điện hạt nhân như sau:
+ Trong 5 năm hoạt động đầu tiên: Tỷ lệ trích bằng 1%;
+ Trong 5 năm hoạt động tiếp theo: Tỷ lệ trích bằng 2%;
+ Trong thời gian hoạt động tiếp theo: Định kỳ 5 năm một lần, Bộ Công Thương chủ trì xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tỷ lệ trích trên cơ sở đề nghị của Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân và Kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Nguồn thu khác: Tiền lãi phát sinh hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước được nhập vào Quỹ; Các nguồn thu hợp pháp khác.
Về thời điểm trích, nộp Quỹ, Quyết định số 09/2014/QĐ-TTg nêu rõ:
+ Quỹ được tính toán trích, nộp từ thời điểm nhà máy điện hạt nhân đưa vào vận hành thương mại.
+ Định kỳ hàng năm, trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc năm tài chính, Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải nộp khoản tiền được tính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này vào Quỹ.
Việc sử dụng tạm thời nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ cũng được nêu rõ:
Trong thời gian chưa dùng đến, số tiền trong Quỹ phải được bảo toàn và phát triển thông qua các nghiệp vụ quản lý sau:
- Cho ngân sách nhà nước vay hoặc mua trái phiếu Chính phủ theo khả năng cân đối nguồn của Quỹ. Thời hạn và các điều kiện cho vay, mua trái phiếu Chính phủ do cấp có thẩm quyền quyết định cho từng đợt vay theo quy định. Ngân sách nhà nước có trách nhiệm bố trí hoàn trả cho Quỹ khi đến hạn.
- Gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trong nước có uy tín do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho Tổ chức có nhà máy điện, hạt nhân và được Thủ tướng Chính phủ cho phép; tổ chức tài chính, ngân hàng được chọn trên cơ sở chào lãi suất cạnh tranh.
- Sử dụng dịch vụ ủy thác quản lý vốn của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước có uy tín của Việt Nam theo đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Khoản sinh lời của Quỹ từ việc sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được dùng để xử lý các rủi ro trong hoạt động cho vay lại và bổ sung vào nguồn vốn của Quỹ.
Bộ Tài chính ban hành quy định việc quản lý, sử dụng nguồn vốn tạm thời chưa dùng đến của Quỹ; phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc quản lý và sử dụng Quỹ.
Cũng theo Quyết định này, Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải đánh giá số dư Quỹ và dự toán tổng chi phí cần thiết cho việc thực hiện chấm dứt và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân trong vòng 05 năm trước thời điểm thực hiện tháo dỡ. Trường hợp số dư của Quỹ không đủ so với kinh phí cần thiết cho việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy, Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập kế hoạch để huy động đủ nguồn kinh phí bổ sung vào Quỹ trước thời điểm bắt đầu tháo dỡ nhà máy 01 năm.
Quyết định này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/03/2014.