Quy hoạch đô thị bị băm nát, vì lợi ích nhóm?

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng cho rằng để xảy ra tình trạng khu đô thị liên tục thay đổi quy hoạch làm tăng quy mô dân số, xây dựng không đúng quy hoạch là lỗi của cơ quan quản lý. Điều này được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều dự án được thay đổi quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư.

Mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Nguồn: Internet
Mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Nguồn: Internet

Câu chuyện về quản lý quy hoạch đô thị luôn là tâm điểm trong nhiều diễn đàn, trong các cuộc họp, hay trong dư luận nhân dân. Hiện nay, tình trạng quá tải của những con phố trước đây đẹp "như mơ" tại Hà Nội: phố Nguyễn Chí Thanh, phố Phạm Hùng, Láng Hạ… nay đã trở nên chật chội và lộn xộn vào giờ cao điểm. Điều này được lý giải là do các toà nhà cao tầng mọc lên ở phía tây thành phố, khiến áp lực giao thông căng thẳng.

Không khó bây giờ có thể nhận ra, tại khu vực Tố Hữu (Hà Đông), Trung Hoà - Nhân Chính, Phạm Hùng (Cầu Giấy)… những toà cao ốc 18-45 tầng mọc lên san sát.

Mật độ quá dày

Theo Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường đường Tố Hữu, tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 95,5 ha (954.993 m2), trong đó đất công cộng đơn vị ở có tổng diện tích 2.095 m2, đất ở có tổng diện tích 95.020 m2, còn lại là đất dành cho cây xanh, trường học, khu vui chơi, đất cơ quan, trường đào tạo… Tổng dân số dự kiến 29.326 người.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để giải quyết bài toán lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư đã xây hai bên đường Tố Hữu rất nhiều toà nhà chung cư cao tầng, tận dụng mọi không gian để xây dựng, khiến con đường này luôn trong tình trạng quá tải.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, phân tích việc chủ đầu tư khu đô thị mới liên tục nâng chiều cao toà nhà, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy mô dân số, diện tích xây dựng phải xem thời điểm duyệt thay đổi quy hoạch. Trong quy định được phép điều chỉnh quy hoạch khi có diễn biến khác về kinh tế xã hội, đặc biệt là quy hoạch chung.

"Đối với Hà Nội, sau khi mở rộng năm 2008 và 2011 đã duyệt quy hoạch chung, vừa rồi kết thúc 2015 có đủ quy hoạch phân khu, việc điều chỉnh quy hoạch có thể xem xét chấp thuận, nhưng phải phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Hà Nội. Tất cả những điều chỉnh trước đó đều phải xem xét lại", ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, Nhà nước đã đổi mới hoàn toàn về phát triển đô thị tại các khu đô thị mới. Trong đó, vấn đề quan trọng là đảm bảo kết cấu hạ tầng (đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội: trường học, nhà trẻ...). Khi đã xác định yếu tố dân số cơ bản nhất của khu đô thị, chủ đầu tư phải đảm bảo về hạ tầng xã hội.

Trong trường hợp điều chỉnh tăng dân số, hạ tầng xã hội phải tăng chứ không giảm đi. Tuy nhiên, tại Hà Nội, dân số tăng đồng nghĩa với hạ tầng xã hội bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho xây nhà ở. Câu chuyện khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính và Khu Đoàn ngoại giao mới đây là một điển hình.

Có lợi ích nhóm?

Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, việc điều chỉnh quy hoạch không chỉ là cơ quan quản lý đưa ra mà cần phải có ý kiến cộng đồng (tổ chức xã hội, cư dân khu đô thị). "Vậy, chủ đầu tư và nhà quản lý suy nghĩ thế nào về vấn đề này, có sự móc nối nào không?", ông Nghiêm đặt vấn đề.

Ông Nghiêm cho rằng quy hoạch hiện chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện. "Có quy hoạch nhưng phải hiểu quy hoạch là định hướng với tầm nhìn dài 10-20 thậm chí 30 năm", ông Nghiêm nói.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phân tích trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.

Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng, gần đây, các cao ốc lại thi nhau mọc lên, tình trạng tự ý nâng chiều cao cao ốc diễn ra phổ biến, thậm chí ngay ở các khu vực trung tâm thành phố và khu đô thị mới.

"Còn tiếp tục cơ chế xin – cho, khi người xin và người cho đều có lợi và có nhóm lợi ích, dẫn tới tình trạng quá tải. Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng lại có vấn đề. Xét cho cùng, người lãnh đạo của thành phố, của quận về xây dựng phải chịu trách nhiệm", ông Hùng nói.

Ông Hùng nhấn mạnh chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch, doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Trước đó, hồi đầu năm 2019, tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch Kiến trúc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thừa nhận rằng đối chiếu với tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, việc phát triển quy hoạch của Hà Nội có những vấn đề và đang đi chệch hướng.

Vị Chủ tịch thành phố cho rằng nếu như những năm 90 chúng ta làm tốt, lấy rộng ra hai bên 200 – 300m mặt đường, thì thành phố đã giàu lắm rồi. "Đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội", ông Chung nhấn mạnh.

Trước những tồn tại của quy hoạch đô thị, vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với các quận, huyện thực hiện đúng theo lộ trình quy hoạch của thành phố đã giao.

"Sở phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè. Có như vậy, bộ mặt phố xá Thủ đô mới đẹp lên được", ông Chung yêu cầu.