Quy hoạch tổng thể quốc gia là bức tranh phát triển của đất nước
Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng ngày 6/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đảm bảo tính tổng thể, khách quan, trí tuệ và kế thừa được những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của Quy hoạch trước đó.
Nêu quan điểm về tầm quan trọng và tổng quan về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn Đại biểu TP. Hải Phòng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là bức tranh phát triển của Đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như khát vọng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2030-2045 trở thành hiện thực.
Trước đó, trong ngày 05/01, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển KT-XH đất nước trong thời gian tới. Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển.
Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của Đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Đối với định hướng phát triển không gian KT-XH, báo cáo của Chính phủ đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hoá các định hướng đã đề ra. Do đó, cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của Đất nước.
Trong đó, về giải pháp về huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể Quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) và đề xuất một số giải pháp cơ bản.
Ủy ban Kinh tế cho rằng “các giải pháp này đang thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá”. Do đó, đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch.
Đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), theo báo cáo quy hoạch, vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư.
Trong đó, dự kiến vốn đầu tư công thời kỳ 2021-2030 là 6,78 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 3,05 triệu tỷ đồng, bao gồm 2,87 triệu tỷ đồng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hơn 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giai đoạn 2026-2030 là 3,73 triệu tỷ đồng), vốn của doanh nghiệp Nhà nước và nguồn vốn khác thời kỳ 2021-2030 là 2,88 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu NSNN, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực NSNN dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.
Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp sáng ngày 5/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đã nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Quy hoạch mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã yêu cầu phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề: Xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; Định hướng về phát triển không gian KT-XH; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia...