Quốc hội xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại và dự toán kinh phí chưa sử dụng, bổ sung dự toán chi
Sáng ngày 5/01/2023, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là các nội dung cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (cuối tháng 10/2022), nhưng do các cơ quan chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên cần được xem xét, quyết định tại Kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể về từng vấn đề; hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính chính xác, hợp lý, khả thi, rõ trách nhiệm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành sử dụng NSNN, phù hợp với các quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình, thẩm tra nội dung Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định sự cần thiết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh trên nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật NSNN.
Theo đó, đối với việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán NSNN năm 2022 và chịu trách nhiệm về số liệu, bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật NSNN.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn giải ngân số vốn điều chỉnh tăng dự toán năm 2022 của các địa phương theo đúng quy định. Trên cơ sở cam kết của Chính phủ và các địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh dự toán theo phương án Chính phủ trình.
Về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán Nhà nước trước khi đề xuất bổ sung dự toán thu, chi nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung dự toán Ngân sách năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng.
Đối với việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 2.268,3 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính và tăng dự toán chi đầu tư phát triển để triển khai 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Tờ trình số 503/TTr-CP ngày 26/12/2022. Thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2023 cho Bộ Tài chính theo thẩm quyền; chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN; tổng hợp báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.