Quỹ hưu trí: Cải cách để vượt qua khủng hoảng
(Tài chính) Cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) giống như chèo lái một con thuyền lớn - Người thuyền trưởng không thể đợi đến phút cuối mới hành động mà phải hành động trước khi thấy những chướng ngại vật phía trước. Vì thế cần phải có những thay đổi mang tính định hướng chiến lược ngay từ bây giờ.
Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đang dự định cải cách Luật BHXH vào năm 2014. Tốc độ già hóa dân số nhanh cùng với những bất hợp lý trong hệ thống Quỹ hưu trí đòi hỏi cần phải có ngay những cải cách cơ cấu mạnh mẽ bởi nếu trì hoãn cải cách có thể dẫn đến những khủng hoảng xã hội trong tương lai.
Cần có ngay những cải cách cơ cấu mạnh mẽ
Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xuất bản ấn phẩm Dự báo tài chính quỹ hưu trí, báo cáo đã nêu rõ Quỹ hưu trí của Việt Nam đang phải đối mặt với khủng hoảng căn bản. Nếu như không cải cách kịp thời thì tới năm 2021, tổng thu của BHXH Việt Nam sẽ tương đương với chi phí. Và toàn bộ Quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt vào năm 2034. Nói cách khác, với thiết kế hệ thống hiện tại, tất cả lao động nam dưới 39 tuổi và lao động nữ dưới 34 tuổi của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không nhận được bất kỳ một khoản phúc lợi hưu trí nào sau khi nghỉ hưu trong tương lai.
Hơn nữa, sau một vài năm nhận lương hưu, công nhân viên chức và người lao động tham gia BHXH thuộc khối tư nhân trong độ tuổi 40 cũng sẽ không còn được nhận khoản trợ cấp nào nữa. Chỉ có những người hưởng lương hưu hiện tại và người lao động sắp nghỉ hưu mới có thể được nhận lương hưu hằng tháng cho tới khi qua đời.
Rõ ràng là vấn đề này có tác động đến toàn xã hội. Theo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phúc lợi hưu trí chiếm hơn một phần ba thu nhập hộ gia đình của những người về hưu. Để cho nguồn thu nhập này cạn kiệt sẽ gia tăng tỷ lệ người già nghèo đói. Ngoài những tác động xã hội hiển hiện rõ ràng, vẫn còn nhiều khía cạnh khác cần phải được xem xét.
Trước tiên, vì biết rằng Quỹ hưu trí đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, người lao động trẻ và người sử dụng lao động lại càng có động cơ để trốn tham gia đóng BHXH. Cụ thể là lao động trẻ, vì sợ mất 8% đóng góp trên thu nhập trong suốt cuộc đời đi làm của họ, có thể sẽ thương lượng với người sử dụng lao động để tránh đóng BHXH. Như thế, tỷ lệ trốn đóng BHXH càng tăng thì vấn đề với quỹ BHXH càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí Quỹ hưu trí có thể vỡ trước năm 2034.
Thứ hai, vấn đề thanh khoản của BHXH có thể sẽ dẫn tới những xáo trộn về kinh tế. Đầu tiên, BHXH Việt Nam sẽ không còn dự trữ để trong tài khoản ngân hàng, mua trái phiểu hoặc cho vay bù đắp thâm hụt ngân sách như hiện đang diễn ra. Và từ sau năm 2021, BHXH Việt Nam sẽ bắt đầu phải đòi nợ: Bán trái phiếu Chính phủ, rút các khoản đặt cọc ngân hàng hoặc đòi các khoản nợ mà ngân sách Nhà nước đang vay. Rõ ràng là không thể tránh được bất kỳ một giải pháp nào trong số này.
Nhìn thấy viễn cảnh này, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã nhận thấy sự cần thiết của việc cải cách Chương trình hưu trí. Trên thực tế, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ra đời vào tháng 6/2012, đã chỉ ra rằng “Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm xã hội”. Để cân bằng giữa tính bền vững tài chính của Quỹ và mức độ bảo vệ người lao động, Chính phủ nên nhìn nhận lại yếu điểm của hệ thống hưu trí một cách thận trọng để có được phương án cải cách đúng đắn.
Tỷ lệ hưởng đang nhiều hơn mức đóng thực tế
Chương trình hưu trí Việt Nam có đặc trưng là thời gian làm việc ngắn và tuổi thọ đang có xu hướng tăng. Theo BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu trung bình là 54 khi đã tham gia đóng BHXH được từ 25-30 năm. Điều quan trọng nhất là trong vài thập kỷ gần đây, tuổi nghỉ hưu thực tế không tăng trong khi người dân Việt Nam đang sống thọ hơn trước đây. Một công dân Việt sinh năm 1990, tại thời điểm đó được kỳ vọng sẽ sống đến 66 tuổi thì đến thời điểm này, có thể sẽ sống đến 75 tuổi. Trong vài thập kỷ tới, tuổi thọ trung bình thậm chí sẽ còn tăng cao hơn, đến 78 tuổi. Trung bình, người lao động về hưu hiện tại nhận lương hưu khoảng 20 năm và vì tuổi thọ tăng nên thời gian hưởng lương hưu của họ cũng dài hơn. Tóm lại, người lao động tham gia BHXH từ 25-30 năm thì sẽ hưởng lương hưu trong 20 năm hoặc nhiều hơn. Tỷ lệ giữa thời gian làm việc và thời gian hưởng lương hưu này là không bền vững.
Ngoài ra, người nghỉ hưu nhận được phúc lợi từ Quỹ hưu trí nhiều hơn những gì họ đã đóng góp. Công thức tính lương hưu hiện tại đưa ra một tỷ lệ hưởng cao quá mức trong mối tương quan giữa lương hưu với mức lương đóng bảo hiểm trung bình khi còn làm việc. Theo các thông số phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng của công chức, viên chức là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức lương đóng BHXH thực tế của họ. Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40-60%.Trên thực tế, đây là tỷ lệ cao nhất mà các chuyên gia của ILO từng biết đến.
Sự bất bình đẳng là một vấn đề khác đáng lo ngại của hệ thống hưu trí. Các nhóm lao động khác nhau như khối quân nhân, công chức, viên chức, và khối lao đông tư nhân có tỷ lệ hưởng so với mức đóng góp thực tế là khác nhau. Sự đối xử không công bằng dẫn tới hai vấn đề là: (i) Sự đố kỵ về lương hưu – gây ra tâm lý lo âu xã hội trong các nhóm đóng góp nhiều hơn hưởng; (ii) Sự trốn tránh – những nhóm đối tượng bị thiệt thòi quyền lợi sẽ có động cơ trốn và không tham gia hệ thống BHXH.
Hệ thống hưu trí hiện tại đang chưa thu hút được một bộ phận người lao động trong khối tư nhân. Đây có thể là lý do tại sao việc mở rộng tỷ lệ bao phủ đang chậm lại trong khối tư nhân. Trừ khi tất cả các nhóm đối tượng được đối xử công bằng, nếu không thì có thể việc trốn đóng BHXH sẽ trở thành đặc trưng của hệ thống hưu trí Việt Nam.
Nên thay đổi công thức tính lương hưu
Hiểu rõ được nguyên nhân của sự mất cân đối quỹ rồi thì cần phải có cải cách cấp bách. ILO đã khuyến cáo Chính phủ cân nhắc phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và nam lên 65 vào năm 2036, thay đổi công thức tính lương hưu, bỏ mức hưởng trần 75% và áp dụng cách tính mỗi năm đóng BHXH được hưởng là 1,5% hoặc nhiều nhất là 2%; điều chỉnh lại lương hưu cho người lao động ở cả khu vực công và tư phù hợp với mức tăng lương; áp dụng được hệ số giảm cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phù hợp (5-6%/năm); thiết lập được hệ thống hưu trí đa trụ cột, bao gồm hệ thống hưu trí bổ sung và sự gắn kết rõ rệt với trợ cấp xã hội cho người già theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP. Những cải cách này sẽ giúp cho hệ thống cải thiện về tài chính, hỗ trợ cho việc tính toán mức hưởng dễ dàng hơn và mang lại động lực làm việc cho những người trẻ tuổi.
Theo ILO, những phương án cải cách khác có thể sẽ không giải quyết được vấn đề bền vững quỹ trung hạn. Ví dụ, mở rộng độ bao phủ sẽ không thay đổi được tình hình tài chính một cách căn bản. Mà đây lại là mục tiêu đang hướng tới, chính vì thế Chính phủ cần phải cân nhắc một chiến lược đồng bộ, bao gồm cả các sáng kiến cấp phép kinh doanh và chính sách thuế, nhưng kể cả như vậy vẫn không giải quyết được vấn đề tài chính Quỹ vì càng nhiều người lao động tham gia thì nguồn thu của quỹ BHXH có tăng trong ngắn hạn nhưng lại phải chi trả lương hưu cho nhiều người hơn sau này. Tương tự như vậy, việc đề xuất tăng mức đóng hiện tại 22% cũng sẽ không thể cải thiện được tình hình. Theo tính toán của chúng tôi, nếu theo giải pháp này thì tỷ lệ đóng phải tăng được trên 40% trong hai thập kỷ tới. Và như vậy thì không khả thi trong tình hình kinh tế hiện nay.
Tóm lại, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cần phải vượt qua được thách thức rất lớn là: Quỹ hưu trí đang đối mặt với khủng hoảng, trong khi những phương án cải cách lại chưa phổ biến ở Việt Nam. Trong thực tế, trên thế giới cũng chỉ có một vài cộng đồng dễ dàng chấp nhận yêu cầu làm việc dài hơn khi tuổi nghỉ hưu tăng lên. Tuy nhiên, nếu không có thay đổi chính sách rõ rệt ngay từ bây giờ thì Việt Nam sẽ phải cần một cải cách bất thường hơn nữa trong vòng 5-10 năm tới hoặc chấp nhận rằng hầu hết người lao động dưới 40 tuổi sẽ không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp lương hưu nào sau khi đã đóng góp trong suốt cuộc đời làm việc..
Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã có những động thái tích cực nhất quán để thích ứng với tình hình kinh tế thay đổi liên tục như hiện nay. Tuy nhiên cải cách BHXH giống như chèo lái một con thuyền lớn: Người thuyền trưởng không thể đợi đến phút cuối mới hành động. Hơn thế nữa, cần phải hành động trước khi thấy những chướng ngại vật phía trước. Báo cáo của ILO trình Chính phủ đã chỉ rõ rằng thách thức, khó khăn đang ở ngay trước mắt chúng ta.Vì thế cần phải có những thay đổi mang tính định hướng chiến lược ngay từ bây giờ.