QUÝ I/2009 Xuất siêu: Mừng ít, lo nhiều

Theo NLĐ

16 năm kể từ khi đạt mức xuất siêu lần đầu tiên vào năm 1992, VN mới lại có hiện tượng xuất siêu trong giao thương quốc tế vào quý I năm nay. Song nhiều chuyên gia kinh tế lại nhìn nhận đây là sự đột biến bất thường chứ không phải dấu hiệu tăng trưởng. Bởi lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu đang từ nhập siêu đảo chiều ấn tượng trong ba tháng đầu năm là mức xuất khẩu đá quý và vàng quá lớn

Hệ quả của suy giảm kinh tế

 

Nhận định nói trên xuất phát từ kết quả phân tích số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 15 tỉ USD nhưng nếu không kể mặt hàng kim loại quý (vàng), xuất khẩu ba tháng chỉ đạt 11,2 tỉ USD, giảm 15% (khoảng 2 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong số 35 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có đến 26 mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ như dầu thô, điện tử máy tính và linh kiện, than, dây điện và cáp điện, hạt điều, cao su... Trong khi đó, nhập khẩu sụt giảm rất mạnh vì giảm cả về giá và lượng với tốc độ 55,2%, 31,7% và 49% tương ứng với tháng 1, 2 và 3. Các mặt hàng giảm mạnh gồm xăng dầu, hóa chất, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng, phân bón, thuốc trừ sâu, chất dẻo, bông, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, điện tử...

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong cơ cấu nhập khẩu của VN có tới 70% là máy móc, nguyên phụ liệu để gia công hàng xuất khẩu. Đối với mặt hàng đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ, tỉ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm 60%-70%.

 

Do đó, hiện tượng xuất siêu xảy ra khi cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh chứng tỏ tốc độ sụt giảm của nhập khẩu mạnh hơn xuất khẩu. Nguyên nhân do doanh nghiệp không xuất khẩu được nên không có tiền mua nguyên liệu, máy móc để tái đầu tư phát triển sản xuất. Đây chính là hệ quả của suy giảm kinh tế.

 

Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), cho biết mức giảm xuất khẩu chủ yếu rơi vào nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, cụ thể là các mặt hàng giày dép, điện tử... Khi nhóm hàng này giảm lượng xuất khẩu thì lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ giảm theo vì doanh nghiệp không có đơn hàng.

 

Như vậy, hiện tượng xuất siêu trong quý I chưa bền vững và chưa thể hiện được sự tăng năng lực của nền sản xuất, gia tăng việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu tốt  do hàng dệt may từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay vẫn ký được hợp đồng mới, sản lượng xuất khẩu suy giảm không nhiều. Đáng lưu ý là nhóm hàng nông sản, nhất là xuất khẩu gạo, vẫn tăng trưởng tốt, tuy không ký được giá cao như Thái Lan.

 

Thận trọng với xuất khẩu vàng

 

Lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu đang từ nhập siêu đảo chiều ấn tượng trong ba tháng đầu năm là mức xuất khẩu đá quý và vàng, trong đó chủ yếu là vàng của VN quá lớn.

 

Từ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép xuất khẩu vàng khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng vọt từ mức 139 triệu USD trong tháng 1 lên 1,298 tỉ USD. Tính chung cả 3 tháng, xuất khẩu đá quý và vàng tăng đột biến lên khoảng 2,287 tỉ USD, trong khi quý I năm ngoái chỉ đạt 16 triệu USD.

 

Việc xuất khẩu này đã đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng do giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới từ 300.000 – 800.000 đồng/lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nguồn ngoại tệ lớn bù đắp cho sự sụt giảm từ nguồn kiều hối, đầu tư nước ngoài và viện trợ ODA để bình ổn thị trường ngoại hối.

 

Xuất khẩu vàng cũng góp phần hạn chế nhập siêu vốn đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây...

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo cần phải thận trọng với chính sách xuất khẩu vàng. Từ tháng 7-2008, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng, nếu tiếp tục xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ phải gom ngoại tệ để nhập khẩu khi có nhu cầu. Nếu quản lý không tốt, việc nhập khẩu vàng trở lại sẽ gây biến động về nguồn ngoại tệ.

 

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu vàng đã khiến thị trường ngoại tệ mất cân đối. Việc cấp phép xuất, nhập khẩu thiếu nhịp nhàng cũng có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ nếu không theo kịp diễn biến giá thế giới.