Quý I/2019, Việt Nam đã đầu tư sang 18 quốc gia, vùng lãnh thổ


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2019 (tạm tính đến ngày 20/3/2019) đã có 18 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam với tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 120 triệu USD. Trong đó, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 80,4 triệu USD; Có 8 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 39,6 triệu USD.

Quý I/2019, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 80,4 triệu USD. Nguồn: Internet
Quý I/2019, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 80,4 triệu USD. Nguồn: Internet

Từ đầu năm đến hết quý I/2019, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 120 triệu USD, trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 67,8 triệu USD, chiếm 56,5% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 36,1 triệu USD, chiếm 30,1%; Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 10,7 triệu USD, chiếm 8,9%.

Việt Nam đã đầu tư sang 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư; Campuchia xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 37,9 triệu USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư gần 11 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Malta, Australia.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn, như các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển trên thế giới. 

Liên quan đến các dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư. Cụ thể, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2019, cả nước có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 80,4 triệu USD, bên cạnh đó có 8 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 39,6 triệu USD.

Trong đó, có thể kể đến dự án của Công ty TNHH Ecofoods Hải Khanh được cấp giấy chứng nhận kinh doanh đầu tư ra nước ngoài ngày 19/2/2019 với mục tiêu kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90 và gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Tính đến ngày 20/3/2019 đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư); công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%...

Qua những con số trên có thể thấy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, thể hiện khá rõ nét qua sự đa dạng về thị trường, về ngành đầu tư, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế…

Các hoạt động này cũng đã giúp cho việc hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành dầu khí, xây dựng), trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư, và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa bàn nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án.

Số liệu của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, trong năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 56 triệu USD. Tính chung trong 12 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD.