EuroCham đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam
Trong ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 11 vừa công bố, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, kể từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.
Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy các công ty châu Âu đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả đánh giá trong quý IV/2018 ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EuroCham - cho rằng, kết quả tích cực của BCI vừa qua chính là một ví dụ của sự tin tưởng mà doanh nghiệp châu Âu dành cho môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp thành viên của EuroCham tiếp tục thể hiện sự lạc quan thông qua dự định đầu tư và phát triển nhân lực.
Theo EuroCham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với lạm phát thấp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Dù vậy, doanh nghiệp châu Âu vẫn gặp phải một số khó khăn như những vấn đề liên quan đến việc công nhận trong ngành ôtô, và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm bia, rượu.
Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bởi hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, lợi thế về chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường kinh tế phi điều tiết đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, người tiêu dùng trung lưu tại Việt Nam đang là "thỏi nam châm" thu hút doanh nghiệp châu Âu. Trước khi EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lập văn phòng đại diện và chi nhánh hoặc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.
Hiện nay, EU là một trong số các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).