Quý IV/2016: Nỗ lực phấn đấu để đạt tăng trưởng kinh tế ít nhất từ 7,1-7,3%

PV.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 diễn ra ngày 29/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế quý IV/2016 ít nhất từ 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực

Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng qua, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường biển.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2016 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,5% của tháng trước; tính chung 11 tháng 2016 tăng 7,3%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% (cùng kỳ năm trước tăng 10,3%).

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng tăng khoảng 9,5%, chỉ số này cho thấy sức cầu đang có xu hướng tăng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng qua ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, 11 tháng ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5%; trong đó nhóm hàng nông lâm thủy sản tiếp tục tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,7%). Trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD, chiếm 1,78% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,5% so với tháng 12/2015.

Các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định và đúng định hướng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,03%. Mặt bằng lãi suất về cơ bản ổn định.

Môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng 2016 đã đạt trên 101.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17% về số doanh nghiệp và tăng 48% về số vốn đăng ký; có trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện…

Nỗ lực thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016.

Trong quý IV/2016, phải nỗ lực phấn đấu đạt được mức tăng trưởng kinh tế ít nhất từ 7,1-7,3%  để cả năm đạt khoảng 6,3 - 6,5%. Để đat được yêu cầu này, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng 12. Đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng lĩnh vực, mặt hàng phấn đấu đạt mức tăng xuất khẩu ít nhất 8%.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%;  Theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng, ngoại tệ và tỷ giá, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch năm 2017, để đưa ra thảo luận tại Phiên họp Chính phủ mở rộng với các địa phương tháng 12/2016.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra là không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp; cần chuẩn bị các kịch bản, xây dựng các phương án ứng phó phù hợp đối với các diễn biến liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016.