Quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần: Dấu hiệu tích cực và phù hợp với xu thế
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê công bố, quy mô doanh nghiệp ở Việt Nam đang nhỏ dần; số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Các chuyên gia nhận định, quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là phù hợp trong điều kiện nước ta hiện nay.
Phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ, Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tính đến 1/1/2017 cả nước có 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại gấp 1,5 lần so với năm 2012.
Trong đó, xét theo quy mô lao động, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, tăng 29% so với 2012. Tuy nhiên số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5%.
Số DNVVN chiếm 74% tổng số doanh nghiệp. Đáng chú ý là tỷ trọng các DNVVN tăng tới 6 điểm phần trăm so với 2012, trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm. Theo đại diện Vụ Thống kê thương mại dịch vụ, điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Về xu hướng quy mô doanh nghiệp ở Việt Nam đang nhỏ dần, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy đánh giá đây là xu hướng phù hợp với mục tiêu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, phù hợp với chủ trương khuyến khích kinh doanh của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đổi các hộ sản xuất kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ và DNVVN.
Ông Thúy chỉ ra nguyên nhân là do lịch sử phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nói riêng, cùng với đó là hạn chế về nguồn lực như vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ năng lực quản lý trong phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng của nền kinh tế nước ta vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Vụ trưởng Phạm Đình Thúy cũng cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp lớn mang tính chuỗi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thời gian tới, ông Thúy hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần dần mở rộng quy mô hơn nữa và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Dư địa về DNVVN ở Việt Nam còn nhiều
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê Nguyễn Hoa Cương, vấn đề đặt ra không phải là quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần có phù hợp với mục tiêu kinh tế - xã hội hiện nay hay không. Về khách quan, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nền kinh tế, đặc biệt ở những nền kinh tế phát triển, số lượng DNVVN ngày càng nhiều.
Nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển, dư địa của các DNVVN ở nước ta còn rất nhiều. Ông Cương đưa ra ví dụ, ở Mỹ có khoảng 29 triệu doanh nghiệp trong đó có tới 22 triệu DNVVN. Ở các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, số doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng chiếm phần lớn.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trước đây do tình hình kinh doanh khó khăn, một doanh nghiệp có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường cần phải có quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay khả năng độc lập trong từng nhóm cá nhân nhỏ đã được cải thiện, thậm chí một cá nhân cũng có thể đứng vững trên thị trường.
Điều này chứng tỏ sự nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đang được thực hiện tốt. Một doanh nghiệp với quy mô 2 - 3 người, thậm chí chỉ cần có 1 người cũng có thể đăng ký và vận hành doanh nghiệp, sẵn sàng gia nhập thị trường, bảo đảm hoạt động kinh doanh tốt. Bởi vậy, đây là dấu hiệu tích cực hoàn toàn phù hợp với xu thế khách quan và dự đoán quy mô doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hoa Cương cũng cho rằng, hiện nay mọi người chỉ mới chú ý đến thống kê số lượng lao động trung bình trên một doanh nghiệp mà chưa để ý đến thống kê về số lượng doanh nghiệp bình quân trên dân số. Do vậy, không nên đánh giá việc số lượng lao động giảm đi đồng nghĩa với tình hình doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Với dân số hơn 95 triệu người, cùng với đó là hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường hiện nay, tính trung bình số lao động trên một doanh nghiệp khoảng 190 người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nền kinh tế APEC, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đài Loan chỉ khoảng 20 - 30 người hoặc thậm chí còn ít hơn.
Điều này, chứng tỏ môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng hơn. Do đó, ông Cương cho rằng, việc đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp còn cần phải dựa vào các tiêu chí khác.