Quy tắc trọng tài VIAC 2017 giúp giảm phí tổn cho các doanh nghiệp
Ngày 22/2, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017, tại Hà Nội.
VIAC 2017 là Bộ quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam, ra đời nhằm đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22.3.2014, liên quan đến việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp.
Để đáp ứng các yêu cầu thực tế, tại quy định tại Điều 6 và Điều 15 Quy tắc VIAC 2017, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật đồng thời tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài so với trước đây.
Bên cạnh đó, việc này cũng giúp giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên. Nếu như trước đây, các bên theo kiện phải tham gia song song các cụ kiện tương tự nhau, thì nay họ chỉ cần tham gia 1 vụ kiện gộp, từ đó tiết kiệm được các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các tổn phí khác cho doanh nghiệp.
Những đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp và luật sư có mặt tại Lễ công bố cũng nêu ra những khó khăn trong quá khứ khi chưa có Bộ quy tắc mới, khiến họ tốn nhiều thời gian và chi phí giải quyết nhiều vụ tranh chấp khác nhau, giải quyết nhiều hợp đồng trong một vụ tranh chấp và họ mong muốn việc vận hành Bộ quy tắc trên sớm giúp doanh nghiệp giảm bớt được khó khăn và phí tổn.
Thời gian giải quyết tranh chấp là điểm quan trọng trong các vụ giải quyết tranh chấp. Theo thống kê từ VIAC, năm 2016, cơ quan này duy trì tốc độ giải quyết các vụ việc trung bình là 153,6 ngày/vụ.
Tại Quy tắc VIAC 2017, cơ quan này đã bổ sung thủ tục rút gọn tại Điều 37. Cụ thể, thủ tục trọng tài rút gọn mới hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản (hồ sơ chứng cớ gọn nhẹ), điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.
Ông Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên VIAC cho rằng Bộ quy tắc này có thể áp dụng cho các vụ tranh chấp trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng.