Quy tắc xuất xứ như một chìa khoá

Theo sgtt.vn

(Tài chính) Trong năm 2013, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những chủ đề kinh tế được doanh nghiệp (DN) quan tâm nhất.

Quy tắc xuất xứ như một chìa khoá
Thuỷ sản được xem là ngành có lợi thế khi Việt Nam tham gia TPP, bởi có nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào. Nguồn: sgtt.vn

Trong khi sự quan tâm về TPP tập trung nhiều vào đón cơ hội thị trường, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng pháp chế phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp thông tin sâu hơn về quy tắc xuất xứ hàng hoá có ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hoá khi Việt Nam tham gia TPP.

Ông Nam nhận xét, dệt may hiện là ngành được quan tâm nhất khi Việt Nam tham gia TPP, vì đây là ngành đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu rất lớn, tạo công ăn việc làm nhiều. Tuy nhiên, hiệp định TPP có những rào cản nhất định đối với ngành dệt may. Rào cản đó được thể hiện qua quy tắc xuất xứ như quy định về nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm may mặc phải đáp ứng yêu cầu từ sợi “yarn forward”, hoặc nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm vải dệt kim phải đáp ứng yêu cầu từ xơ “fiber forward”.... Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng may mặc theo quy tắc xuất xứ “Yarn Forward”.

Khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực với quy tắc xuất xứ có thể như vừa nêu, các DN có thể chọn nguồn nguyên liệu dệt từ đâu để đáp ứng các yêu cầu của TPP? Liệu các nhà cung cấp nguyên liệu cho dệt may Việt Nam có di chuyển sản xuất qua Việt Nam?

Để có thể tận dụng được những ưu đãi mà TPP mang lại cho ngành may mặc, các DN cần nắm rõ quy tắc xuất xứ để nhập nguyên liệu từ các nước thành viên TPP như Malaysia và Hoa Kỳ. Về thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư vào ngành sản xuất sợi, dệt, nhuộm... để tạo nguồn cho ngành may mặc, đây là bài toán khó với Việt Nam hiện nay vì liên quan đến ô nhiễm môi trường và nguồn nước cho ngành sản xuất này. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương rất ngại tiếp nhận các nhà đầu tư sợi, dệt, nhuộm. Theo ghi nhận, TPP có thể có quy định ân hạn ba năm để tạo bước đệm cho Việt Nam thu hút đầu tư vào ngành sản xuất sợi, vải.

Ngoài dệt may, còn có những ngành sản xuất nào được xác định sẽ có lợi khi Việt Nam tham gia TPP?

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Trong bốn ngành hàng Việt Nam xuất khẩu lớn là dệt may, da giầy, thủy sản, và chế biết gỗ, chúng ta đã thấy khó khăn vẫn đang ở phía trước đối với ngành may mặc; ngành da giày, thuỷ sản, và chế biến gỗ tương đối thuận lợi khi TPP chính thức có hiệu lực. Đặc biệt là ngành thuỷ sản, đây là ngành mà Việt Nam có thế mạnh và quy tắc xuất xứ không phải là rào cản nữa, đổi lại là rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tận dụng có hiệu quả ưu đãi mang tính bền vững từ hiệp định TPP, các nhà xuất khẩu cần lưu ý về môi trường ao nuôi và thức ăn cho thuỷ sản.

Với ngành chế biến gỗ tương đối thuận lợi vì trong thời gian qua, các nhà sản xuất gỗ nhập khẩu rất nhiều gỗ từ Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Các nước này là những thành viên của TPP. Theo như FTA được ký kết giữa Hoa Kỳ và Chile, quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng này theo điều kiện về chuyển đổi mã số hàng hoá (CTH, CH) và hàm lượng khu vực (RVC) chẳng hạn như 30 – 35%. Theo hiệp định giữa Hoa Kỳ và Chile thì hàm lượng khu vực trong sản phẩm gỗ là 35%, giày dép là 55%. Có thể lấy ví dụ này để có thể dự đoán khả năng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngành sản xuất giày dép cũng tương đối thuận lợi, không khó khăn nhiều như ngành may mặc. Chẳng hạn về nguyên phụ liệu, đàm phán xoay quanh yêu cầu không nhập những loại bán thành phẩm ví dụ mũ giày, đế giày, các sản phẩm chưa hoàn chỉnh để làm sản phẩm hoàn chỉnh cho xuất khẩu.

Theo ông, DN Việt Nam nên suy nghĩ về TPP như thế nào cho chính xác để có sự chuẩn bị tốt nhất?

Đàm phán TPP, muốn khống chế hay không, một trong những yếu tố quan trọng nhất là quy tắc xuất xứ hàng hoá trong mở cửa thị trường hàng hóa. Quy tắc xuất xứ như một chìa khoá, mở hoặc đóng.

Trong bốn ngành đã vừa phân tích thì xem ra thuỷ sản là ngành có thể tranh thủ cơ hội trọn vẹn hơn cả vì được từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu. Ngành dệt may, các DN cần phải lo nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho nguồn nguyên liệu lâu nay phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, Đài Loan.

Quy định về chuyển đổi mã số hàng hoá (CTH, CH) hiện nay được cho là quy tắc mang tính công khai, minh bạch, và không mang tính chủ quan. Quy tắc này dựa trên việc phân loại hàng hoá (HS) theo tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và bảng phân loại HS này được áp dụng trên toàn thế giới. Nhưng ngược lại quy tắc như “Yarn Forward” hoặc RVC là những quy tắc mang tính chủ quan nhằm hạn chế hoặc khuyến khích nhập khẩu hoặc xuất khẩu của một số chủng loại hàng hoá.

Nếu như thay đổi nhập khẩu nguyên liệu từ một nguồn khác có giá cao hơn để sản xuất thì giá thành sản phẩm sẽ cao, liệu có cạnh tranh được khi tham gia TPP?

DN sẽ cân nhắc khi sử dụng cùng loại nguyên vật liệu ở các nguồn khác nhau, có thể giá thành sản xuất sẽ cao, nhưng xét về thuế suất giảm thì sẽ có lợi hơn hay không. Trên cơ sở đó, các nhà xuất khẩu sẽ chọn ra phương án tốt nhất để sử dụng nguyên liệu truyền thống (Trung Quốc) hoặc nguyên liệu từ các nước thành viên TPP.