Quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của chủ đầu tư
(Tài chính) Chủ đầu tư được cơ quan có thẩm quyền xác nhận về hồ sơ pháp lý của toà nhà rồi mới làm “sổ đỏ” cho khách hàng, thời gian sẽ hết 60 ngày. Nếu chủ đầu tư song song thực hiện hai thủ tục này, thời gian rút ngắn còn 45 ngày. Đó là những quy định mới nhất về làm “sổ đỏ” chung cư tại Hà Nội, nhưng một số chủ đầu tư lại kêu… khó.
Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Quang, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Hàng nghìn khách hàng của các dự án chung cư rất vui trước quy định, trong 30 ngày sau khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. Thế nhưng, một số chủ đầu tư lại cho rằng đây là điều khó thực hiện, ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Ông Đặng Ngọc Quang: Đó là một trong những quy định tại Quyết định 94/2014/QĐ – UBND của UBND TP Hà Nội có hiệu lực pháp luật đầu năm 2015. Tôi thấy quy định này hoàn toàn thực hiện được bởi trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có những văn bản như: Quyết định phê duyệt dự án; Quyết định giao đất; Giấy phép xây dựng và những giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn công…
Những tài liệu này gắn với quá trình thực hiện dự án, không có bất cứ thứ gì phát sinh. Hơn nữa, khi đã bán nhà cho người dân rồi thì không có chuyện, dự án chưa hoàn thành được.
Cũng theo quy định này, trong vòng 30 ngày, Văn phòng đăng ký đất đai phải thẩm định hồ sơ pháp lý chung của toà nhà và kết luận đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” để trả lời chủ đầu tư.
PV: Vậy thì sau khi được Văn phòng đăng ký đất đai xác định hồ sơ pháp lý của dự án, chủ đầu tư mới có thể triển khai việc làm “sổ đỏ” cho từng khách hàng, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Quang: Sau khi nhận được trả lời toà nhà có đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” mới đến giai đoạn yêu cầu chủ đầu tư nộp hồ sơ của cá nhân khách hàng.
Ở giai đoạn này, chủ đầu tư có thể thu hồ sơ của khách hàng và đến nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ rồi bàn giao cho khách hàng để họ tự đi nộp.
Sau khi nhận hồ sơ hoàn chỉnh, trong vòng 30 ngày, người dân sẽ nhận được “sổ đỏ”. Như vậy, tổng thời gian để thực hiện việc cấp “sổ đỏ” đến từng khách hàng của chung cư là 60 ngày.
Trong trường hợp chủ đầu tư đồng thời làm cả hai việc: Nộp hồ sơ thẩm định pháp lý của toà nhà và làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho khách hàng thì thời gian rút xuống còn 45 ngày. Vì lúc đó, chúng tôi sẽ tận dụng được thời gian luân chuyển, phân công nhiệm vụ và phối hợp.
PV: Theo quy định hiện hành thì hồ sơ để làm “sổ đỏ” các căn hộ chung cư chỉ có 4 loại giấy tờ. Thế nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với một số chủ đầu tư thì họ vẫn “kêu”, hiện vẫn phải nộp tới 9 loại giấy tờ (đơn, hợp đồng, hoá đơn giá trị gia tăng, chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn, hộ khẩu, biên bản bàn giao nhà, biên bản thanh lý, sơ đồ căn hộ, xác định giao dịch qua sàn) mới đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” từng căn hộ của khách hàng. Là lãnh đạo cơ quan đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ, ông nhìn nhận phản ánh này như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Quang: Theo quy định tại Nghị định 43/CP của Chính phủ, đối với gia đình/cá nhân, thành phần hồ sơ khi làm “sổ đỏ” gồm: đơn, hợp đồng mua bán, biên bản bàn giao. Có được sự tinh giản này vì tất cả hồ sơ pháp lý dự án, chủ dự án đã nộp và được thẩm định.
Đối với những chủ đầu tư có mặt bằng, có bản vẽ hoàn công, trong đó có thiết kế từng tầng… nhưng chưa xong dự án, chưa nộp hồ sơ tổng nhưng muốn làm “sổ đỏ” cho người dân thì mới phải nộp tới 9 loại giấy tờ. Tôi xin lấy ví dụ, để chứng minh nghĩa vụ tài chính phải có hoá đơn giá trị gia tăng.
PV: Một số chủ đầu tư cho rằng, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” cho khách hàng vẫn phải nộp: bản sao chứng minh nhân dân; sổ hộ khẩu; giấy đăng ký kết hôn là không cần thiết. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Ông Đặng Ngọc Quang: Trong mẫu đơn có yêu cầu kê khai số chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Người kê phải chịu trách nhiệm về việc này nên không cần phải nộp bản sao các giấy tờ này vào hồ sơ.
Có thể do chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ hay tâm lý “thừa hơn thiếu” nên mới phôtô hết để đưa vào hồ sơ. Thành phần hồ sơ, Nhà nước hướng dẫn rất cụ thể, chúng tôi không “vẽ” thêm bất cứ loại giấy tờ nào.
PV: Cách đây không lâu, dư luận có bàn tán về việc một số chủ đầu tư có biểu hiện thu tiền dịch vụ của khách hàng khi làm “sổ đỏ” cho họ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Quang: Về việc này, cơ quan Thanh tra, Công an cũng đến làm việc với chúng tôi. Nếu việc chủ đầu tư thu tiền của người dân khi làm “sổ đỏ” căn hộ cho họ thì đấy là giao dịch dân sự giữa chủ đầu tư và người dân, không thuộc phạm vi của Văn phòng đăng ký đất đai.
PV: Là người trực tiếp tham gia tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” chung cư ở Hà Nội, ông đánh giá thế nào về hoạt động này?
Ông Đặng Ngọc Quang: Nghị định 43/CP của Chính phủ; Quyết định 24/2014/QĐ-UBND và đặc biệt là Quyết định 94/214/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội mới ban hành tạo hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Đó cũng là căn cứ để cơ quan quản lý “quản” chủ đầu tư; buộc chủ đầu tư phải thực hiện phần nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc làm “sổ đỏ” cho khách hàng. Và đây cũng là căn cứ pháp lý để khách hàng được đảm bảo quyền lợi của mình.
Trong năm 2014, chúng tôi đã cấp trên 40.000 “sổ đỏ” cho chung cư, vượt mục tiêu đặt ra. Năm 2015, chúng tôi sẽ được thành phố trang bị thêm về cơ sở vật chất để người dân khi làm thủ tục sẽ không phải chịu những cảnh bất tiện như chật chội ở phòng “một cửa”, không có chỗ để xe…
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!