Quyết liệt đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
(Tài chính) Xác định, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015, do vậy ngay từ những ngày đầu năm công tác này đã được triển khai mạnh mẽ. Ngày 26/2/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389, trực tiếp chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng…
Chủ động phối hợp…
Được thành lập tháng 6/2014 đến nay, Ban chỉ đạo 389 đã kiện toàn và xây dựng hệ thống trên 11 bộ ngành và 63 địa phương. Kể từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 đã tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng như quy chế để Văn phòng sớm đi vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ tại Quyết định 389/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn bộ máy các Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành, địa phương... Dư luận cũng đánh giá có chuyển biến bước đầu về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Qua đó, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với hạt nhân là các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và QLTT. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành tiến hành rà soát lại hệ thống các chế độ, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó nổi cộm như chính sách miến thuế đối với hàng hoá cư dân biên giới; chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông; chính sách tái xuất thuốc lá… Thành lập các tổ công tác kiểm tra tình hình thực tế về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội và các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ…
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo, các bộ, ngành phối hợp tương đối nhịp nhàng, đồng bộ các lực lượng chủ công làm mẫu theo chuyên đề của Ban Chỉ đạo, đã ngăn chặn một phần tình trạng nhập lậu thuốc lá điếu ở tuyến biên giới Tây Nam. Đồng loạt các lực lượng ra quân bắt hàng trăm tấn hàng lậu, giúp tăng thuế và tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đặc biệt đã tổ chức thông tin công khai kịp thời các vụ việc, vụ án trên các phương tiện truyền thông để tránh "chạy chọt", nhiều vụ được xử lý nghiêm minh.
Đặc biệt, cũng trong thời gian qua, Văn phòng đã đổi mới phương thức chỉ đạo, động viên khen thưởng kịp thời, xử lý thông tin nhiều chiều để tham mưu cho BCĐ cùng các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần không có vùng cấm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, không có địa bàn nào Văn phòng không tiếp cận. Tuy nhiên, cũng còn những bất hợp lý như văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, sơ hở, Văn phòng đang tiến hành rà soát cùng Văn phòng Chính phủ kiến nghị các bộ, ngành tập hợp, tham mưu sửa đổi, bổ sung. Một trong những vướng mắc đối với các lực lượng trong việc xử lý là có một số tội danh, hành vi chưa được xử lý nghiêm, như đòi hỏi làm rõ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm phải có hậu quả mới xử lý được là bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả cùng ban chỉ đạo 389 quốc gia vì đã ngăn chặn thành công nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Từ việc mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm này, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua.
Phó thủ tướng cũng khẳng định không có vùng cấm đối với loại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại. Theo đó, cải cách hành chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, do vậy phải quyết liệt phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và buôn lậu. Các lực lượng chức năng phải rà soát lại địa bàn và mặt hàng sau thuốc lá, đường là những mặt hàng gì, phải làm chặt chẽ và củng cố lại lực lượng chức năng chống buôn lậu, nhất là lực lượng quản lý thị trường, tăng cường quản lý thị trường nội địa.
Đồng thời cũng phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, đơn vị và cá nhân, không để có vùng cấm trong chống buôn lậu. Phải công khai minh bạch và nói không với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, nếu liên quan phải xử lý thật nghiêm. Phó Thủ tướng nói: Chúng ta phải tuyên chiến với buôn lậu để tạo niềm tin cho nhân dân. Chúng ta phải mạnh tay, trước đây tại Quảng Ninh một trạm liên hợp để buôn lậu qua mặt hoành hành đã lập tức thay toàn bộ 63 cán bộ, đến nay hoạt động chống buôn lậu tại địa bàn đã giảm…
Quyết liệt triển khai nhiệm vụ
Trên cơ sở những kết quả đã thực hiện năm 2014, nhiệm vụ của công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo. Nhiệm vụ này đã được xác định cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban chỉ đạo 389.
Theo đó, trong năm 2015, để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cấp ủy Đảng, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt cán bộ, đảng viên, hội viên về nguy hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực sự vào cuộc cùng các cơ quan chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể, kịp thời, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên mà toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải triển khai làm liên tục và lâu dài.
Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phải đảm bảo đồng bộ, phù hợp thực tiễn, chế tài xử lý đủ sức răn đe, phòng ngừa; rà soát lại mô hình tổ chức của các cơ quan chức năng, hoàn thiện quy chế, quy trình, thủ tục với tinh thần cải cách hành chính nhưng phải chặt chẽ, cụ thể hóa trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình, chấn chỉnh, xử lý đối với những tập thể, cá nhân chưa làm tốt cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hưởng ứng cuộc vận động người dân “nói không với hàng lậu”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từng bước thực hiện xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, trọng tâm là việc phối hợp giữa các nước trong khu vực và các nước có liên quan trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng đường biên giới đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng, tuân thủ các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết...
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các chính sách về thương mại biên giới, kinh doanh tam nhập tái xuất, kho ngoại quan... tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình hiện nay, trình Chính phủ trong tháng 2/2015.
Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu gian lận thương mại mới để có biện pháp ngăn chặn xử lý.
Cần chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả nghiêm trọng hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng...
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức...