Quyết liệt giảm giá than

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) “Kiểm soát chặt chẽ giá thành sản phẩm, đặc biệt là giá thành than, kiên quyết đưa ra khỏi giá thành các chi phí không hợp lý...” - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tiết kiệm chi phí trong ngành than để giảm giá thành than tại cuộc họp tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013, triển khai kế hoạch 2014 của tập đoàn này sáng 14/1.

Quyết liệt giảm giá than
Ngành than quyết liệt giảm chi phí sản xuất để giám giá than. Nguồn: internet
Chấp nhận tồn kho để giữ việc làm cho người lao động

Theo Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Đầu năm 2013, Vinacomin tích cực triển khai chỉ đạo kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng than tiêu thụ 43 triệu tấn. Sáu tháng sản lượng than tiêu thụ đạt 50% kế hoạch, nhưng từ tháng 7.2013 do giá xuất khẩu tiếp tục giảm nhẹ, thuế xuất khẩu tăng (mặc dù từ tháng 9 thuế xuất khẩu điều chỉnh lại 10%) nhưng nhiều hợp đồng xuất khẩu than bị ảnh hưởng khiến sản lượng tiêu thụ 6 tháng cuối năm thấp. Vinacomin phải điều chỉnh giảm sản lượng than tiêu thụ xuống còn 39 triệu tấn.

Cuối năm 2013, Vinacomin đã sản xuất 42,6 triệu tấn than nguyên khai, đạt 101% kế hoạch năm, bằng 96% so với 2012. Trong đó, than sạch đạt 39,5 triệu tấn, bằng 96% so với mức thực hiện 2012. Tổng lượng than tiêu thụ đạt 39,1 triệu tấn, bằng mức thực hiện năm 2012. Trong đó, than xuất khẩu đạt 12 triệu tấn; tiêu thụ trong nước đạt 27,1 triệu tấn.

Than tồn kho đến thời điểm 31/12/2013 lên tới 8 triệu tấn (trong đó than sạch 6 triệu tấn, than nguyên khai và bán thành phẩm 2 triệu tấn). Ông Chuẩn cho biết, mặc dù lượng than tồn kho cao, song quan điểm của tập đoàn là bằng mọi giá phải đảm bảo việc làm và đời sống cho thợ mỏ, nên một mặt tập đoàn vẫn đảm bảo sản xuất, không để thợ mỏ mất việc, một mặt tìm cách tiêu thụ lượng than tồn kho.

Cũng trong năm 2013, tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên điều hành sản xuất đảm bảo tăng được sản lượng, phù hợp với tình hình thị trường tiêu thụ, đồng thời áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng hòn than, quản trị chi phí, quản lý sản phẩm và phối hợp kinh doanh nhằm mục tiêu giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh chung toàn tập đoàn.

Ông Chuẩn cho biết: Từ ngày 1/8/2013 chính phủ cho phép giá than bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh bằng giá thành và thực hiện theo giá thị trường từ ngày 1/1/2014, kết thúc việc "bù chéo" kéo dài nhiều năm. Đây là động thái thực hiện cơ chế giá theo giá thị trường của các mặt hàng thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ đã giúp tập đoàn đỡ khó khăn hơn trong cân đối tài chính năm 2013 và các năm sau, có điều kiện cải thiện thu nhập cho thợ lò và tích luỹ vốn để tái đầu tư.

Năm 2014, thúc đẩy đầu tư, giảm chi phí

Năm 2014 được ngành than dự báo nhiều thuận lợi song vẫn nhiều thách thức. Sản xuất kinh doanh than ngày càng khai thác xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, cháy nổ, đổ lò cao hơn; cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; tỉ trọng than lộ thiên giảm, than hầm lò tăng dẫn đến các chi phí sản xuất, chi phí môi trường tăng cao...

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu than trong nước sẽ tăng mạnh, nhất là than cho sản xuất điện, đồng thời giá than bán cho điện đã được điều chỉnh bù đắp được giá thành; cơ chế quản lý của tập đoàn trong những năm qua dần được hoàn thiện.

Ngành than đề ra mục tiêu: Tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh khâu tiêu thụ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm... Cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò. Các chỉ tiêu đề ra: Than tiêu thụ 35 triệu tấn, trong đó trong nước: 27 triệu tấn, than xuất khẩu: 8 triệu tấn; than nguyên khai: 37,7 triệu tấn; trong đó than lộ thiên 17,3 triệu tấn, than hầm lò 20,0 triệu tấn.

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn khẳng định biện pháp điều hành trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các mỏ mới, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tăng cường quản lý điều hành khâu tiêu thụ, kiểm soát tiến độ giao nhận than; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ giá thành sản phẩm, kiên quyết đưa ra khỏi giá thành các chi phí không hợp lý; tăng cường khoán chi phí để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo giá thành các sản phẩm dịch vụ của tập đoàn năm 2014 giảm 5 - 10% so với năm 2013.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu cao nhất đối với Vinacomin là phải đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, tăng năng suất, sản lượng để cải thiện đời sống thợ mỏ. Phó Thủ tướng nhận định, dù còn khó khăn song năm 2014, nhu cầu than cho nhiệt điện sẽ tăng mạnh, giá than được điều chỉnh, bù đắp được giá thành nên sẽ là thuận lợi không nhỏ.

Phó Thủ tướng đồng tình với biện pháp của tập đoàn trong việc tăng cường quản trị chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh. Gia tăng hàm lượng đổi mới công nghệ, đảm bảo tiến độ các công trình, nhất là việc xây dựng mỏ; tăng cường quản lý tài nguyên, kỹ thuật cơ bản, đặc biệt là tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh và đầu tư.