Tỉnh Sóc Trăng:
Quyết tâm triển khai thành công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ôtô cao tốc, trong đó giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, được chia thành 4 dự án thành phần. Dự án cao tốc được chuẩn bị trong năm 2022, khởi công vào tháng 6/2023; dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025
“Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án rất quan trọng của quốc gia. Với trách nhiệm được Chính phủ giao, Sóc Trăng phải nỗ lực để triển khai dự án thành công. Đơn vị chủ đầu tư, thành viên các tổ giúp việc, lãnh đạo các sở, ngành chức năng cùng các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm trong quá trình tiến hành công việc được phân công, đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ”.
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị, triển khai và hướng tuyến Dự án thành phần 4 đoạn qua tỉnh Sóc Trăng.
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 triển khai nghị quyết của Quốc hội. Dự án cao tốc có tổng chiều dài 188,2km qua địa bàn tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ôtô cao tốc, trong đó giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, được chia thành 4 dự án thành phần. Theo đó, Dự án thành phần 4 do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản với chiều dài 56,9km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng. Dự án cao tốc được chuẩn bị trong năm 2022, khởi công vào tháng 6/2023; dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đến năm 2027 đưa vào khai thác đồng bộ dự án.
Dự án cao tốc được đầu tư nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Theo đó, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xác định tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động triển khai công việc đối với Dự án thành phần 4 (đoạn đi qua địa bàn tỉnh) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đạt các mốc thời gian đề ra tại nghị quyết của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành các dự án trọng điểm (trong đó có Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) và 3 tổ giúp việc (gồm tổ giúp việc, tổ giải phóng mặt bằng, tổ tuyên truyền) cho phù hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2058/QĐ-UBND, ngày 9/8/2022 giao Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.
Đồng chí Thạch Minh Hoài - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 2 đã chủ động rà soát những cán bộ đủ năng lực, phù hợp để cơ cấu vào các tổ điều hành dự án cao tốc này. Bên cạnh đó, ban cũng đã bám sát theo các mốc thời gian quan trọng nêu tại Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ xây dựng hoàn thiện kế hoạch chi tiết lộ trình triển khai Dự án thành phần 4, trình UBND tỉnh xem xét ban hành, làm cơ sở thực hiện chung toàn tỉnh”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo điều hành các dự án trọng điểm, đến đầu tháng 9 năm nay, các phần việc chuẩn bị cho dự án được đơn vị chủ đầu tư, các sở, ngành chức năng tỉnh và các địa phương thực hiện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Việc xác định chi tiết hướng tuyến đang được hoàn tất để trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thống nhất, làm cơ sở triển khai thực hiện. Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện có dự án đi qua xác định nhu cầu, vị trí, quy mô diện tích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tái định cư trên địa bàn các huyện. Chủ đầu tư đã phê duyệt dự toán chuẩn bị dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn. Công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn làm cơ sở để lập báo cáo nghiên cứu khả thi được triển khai. Bên cạnh đó, từ ngày 20/8, đơn vị tư vấn đã chủ động khảo sát hiện trường phục vụ việc xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại buổi làm việc với các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào ngày 6/9, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Đến trước ngày 30/6/2023, tỉnh phải bàn giao 70% mặt bằng cho Dự án cao tốc. Đây là khối lượng công việc rất lớn, vì vậy yêu cầu các đơn vị, sở, ngành chức năng, các địa phương, tổ giúp việc phải nỗ lực làm việc gấp đôi”. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ giúp việc, đơn vị chủ đầu tư phải có kế hoạch hàng tuần, hàng tháng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên một cách rõ việc, cụ thể, dứt điểm từng việc và báo cáo tiến độ công việc hàng tuần. Những khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay để Ban Chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, đảm bảo đúng tiến độ thời gian triển khai dự án.
Sóc Trăng hiện đã có 5 tuyến quốc lộ đi ngang qua địa bàn với tổng chiều dài khoảng 250km. Cùng với mạng lưới đường quốc lộ hiện tại, Dự án cao tốc được đầu tư xây dựng trong thời gian tới và khi hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ mở ra trục đường chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung. Với tinh thần quyết tâm cao của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện, tin chắc rằng Dự án cao tốc sẽ thành công tốt đẹp như kế hoạch đã đề ra.