Ra mắt ấn phẩm “Điệp viên hoàn hảo X6”
(Tài chính) Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) vừa trình làng ấn bản mới nhất, cập nhật đầy đủ quyển sách huyền thoại “Điệp viên hoàn hảo X6” của nhà sử học Larry Berman tại Hà Nội. Ấn bản này được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt cũng như sự đánh giá cao của giới sử học. Bởi Phạm Xuân Ẩn, dù đã được giải mã rất nhiều, nhưng ông vẫn là một ẩn số lịch sử của Việt Nam.
Phạm Xuân Ẩn, một cái tên chứa biết bao điều bí ẩn, không chỉ với người Việt Nam, mà đối với cả rất nhiều chính khách và báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí Mỹ. Người ta đã bình luận, tranh cãi, phỏng đoán và viết rất nhiều về ông, thậm chí còn làm phim tài liệu nhiều tập về ông, nhưng dường như còn có quá nhiều điều vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cho đến khi một người Mỹ bắt tay vào cuộc… Đó chính là Larry Berman, nhà sử học, Giáo sư danh dự tại trường Đại học California, và hiện là Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú, trường Đại học bang Georgia, một chuyên gia xuất sắc chuyên nghiên cứu về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Câu chuyện “Điệp viên hoàn hảo X6” bắt đầu vào một buổi tối tại nhà hàng Song Ngư trên đường Sương Nguyệt Anh ở khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư sử học Larry Berman tình cờ gặp “một quý ông gầy gò”. Như một sự sắp đặt, họ ngồi đối diện nhau. Câu chuyện quanh bàn ăn khiến vị giáo sư người Mỹ “ngờ ngợ” rằng người ngồi đối diện ông là một nhà tình báo huyền thoại, một vị tướng anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người mà thời chiến tranh từng hoạt động dưới vỏ bọc là phóng viên của hãng tin Reuters và tạp chí Time tại Sài Gòn.
Và dù suốt buổi tối hôm ấy, “quý ông gầy gò” không hé lộ bất cứ chi tiết nào về quá khứ làm tình báo của mình, thì những kiến thức, khả năng phân tích chính trị sắc sảo cùng khiếu hài hước tinh tế của ông đã thôi thúc Giáo sư Berman hẹn gặp riêng ông một lần nữa. Và rồi sau đó, rất nhiều cuộc gặp giữa hai người đã diễn ra, hoặc ở tiệm cà phê Givral đầy những dấu ấn lịch sử, hoặc ở nhà riêng của Phạm Xuân Ẩn, khi mà vị giáo sư người Mỹ đã biết rõ quá khứ tình báo của ông.
“Ông Ẩn giúp tôi hiểu về Việt Nam – về lịch sử và nhân dân. Càng gặp ông, tôi càng muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời đầy bí ẩn của chính ông. Tôi rất quan tâm tới những trải nghiệm của ông ở Mỹ và ấn tượng mà những trải nghiệm đó in hằn lên con người ông. Tôi cũng bị mê hoặc bởi vai trò của ông trong cuộc chiến và những thách thức mà ông đối mặt sau khi cuộc chiến trôi qua. Là một người viết sử về cuộc chiến tranh này, tôi muốn sử dụng tiểu sử cuộc đời ông như là một cánh cửa sổ để hiểu những sự phức tạp của cuộc chiến cũng như quá trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ, giữa các cá nhân và giữa hai nước”… Sau này, tác giả Larry Berman đã giải thích như thế về động cơ thôi thúc ông tiếp tục gặp tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn rất nhiều lần để rồi cho ra đời một cuốn sách xuất sắc như chúng ta được biết.
Sau 6 năm, cuốn sách với những thông tin có giá trị lịch sử giờ đây lại được ra mắt bạn đọc qua một bản dịch đầy đủ và cập nhật nhiều thông tin chưa từng được công bố do chính Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tác giả Larry Berman có ghi âm. Với lời hứa chỉ được công bố những thông tin này từng giai đoạn sau khi Phạm Xuân Ẩn mất, Larry Berman đã mất 6 năm cân nhắc để từng bước công bố thông tin của người đã khuất.
Trong ấn bản lần này, ở đầu sách có lời cảm nhận của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, với tựa đề “Nhớ mãi một con người”, trong đó có đoạn: “Phạm Xuân Ẩn là nhà tình báo chiến lược cực kỳ quan trọng. Anh đã sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết giữa hai chiến tuyến, hai làn đạn. Một nhà báo Reuters và Time được cả chính khách Mỹ nể trọng. Một tình báo, một người yêu nước thật sự đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giải phóng dân tộc với một nhân cách đặc biệt, một tấm lòng của một người Việt Nam chân chính. Hiếm có một nhà tình báo nào trên thế giới để lại những bí ẩn và tình cảm tốt đẹp cho mọi người từ cả hai phía như nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn”.
Trong bài Một phần của hình hài Tổ quốc viết cho ấn bản mới cuốn Điệp viên hoàn hảo, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Thiếu tướng-Anh hùng Lực lượng vũ trang - đó là sự vinh danh của Tổ quốc dành cho nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. Nhưng tên tuổi của ông còn đi xa hơn thế, đặc biệt với những người bên kia chiến tuyến. Điều lạ lùng là ngay cả khi nhiệm vụ thực sự của ông được công bố, Phạm Xuân Ẩn vẫn giành được sự kính trọng và ngưỡng mộ tuyệt đối từ những đối thủ của mình! Hàng loạt các chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu… từ Mỹ và trên thế giới khi đến Việt Nam đều mong muốn được diện kiến ông là một minh chứng! Đặc biệt giáo sư, nhà sử học Mỹ Larry Berman đã dành nhiều năm với gần 30 lần bay từ Mỹ đến Việt Nam để gặp và phỏng vấn ‘đối thủ’ lớn của ngành tình báo Mỹ sừng sỏ cho thấy sự hấp dẫn của Phạm Xuân Ẩn – một người do chính nước Mỹ góp phần ‘đào tạo’ nên!”
Ngoài ra, ấn bản mới còn có lời giới thiệu “Hãy viết sự thật” của nhà sử học Dương Trung Quốc: …Chắc chắn, một người Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn sẽ có lợi thế mà các tác giả Việt Nam khó có được. Không phải chỉ là vấn đề tư liệu. Giáo sư Larry Berman có thể khai thác các kho lưu trữ ở Mỹ, tiếp cận các nhân chứng người Mỹ, các cựu tướng lĩnh, chính khách Việt Nam Cộng hòa nay đang định cư ở Mỹ... là những nhân tố tạo nên môi trường sống và hoạt động của Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một phóng viên của Tạp chí Time và một nhà tình báo luồn sâu vào nội bộ đối phương để chống lại cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam ở những thập kỷ 60, 70 ở thế kỷ trước.
Nhưng, cái lợi thế ấy không mấy quan trọng bằng cách suy nghĩ của một công dân, một nhà sử học Mỹ về một nhà tình báo đứng ở chiến tuyến bên kia của một cuộc chiến khốc liệt. Nói cách khác, chỉ một tác giả người Mỹ như Larry Berman mới lý giải được vì sao Phạm Xuân Ẩn không chỉ được những người đồng bào, đồng chí Việt Nam của mình khâm phục, vinh danh như một người anh hùng mà nhiều người Mỹ đã từng quen biết vẫn giữ được sự kính trọng và chia sẻ những việc Phạm Xuân Ẩn đã hành xử với tư cách một người Việt Nam yêu nước...
Cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman được người đọc Việt Nam và Mỹ cũng như giới sử học, giới báo chí và các nhà tình báo của cả hai nước đánh giá cao.