Ra quân ngăn thực phẩm “bẩn” trong tháng cao điểm

Quang Hùng

Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 (từ ngày 15/4/2025 đến 15/5/2025), lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) nhiều địa phương đang quyết liệt ra quân kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, ngăn thực phẩm “bẩn” tuồn ra ngoài thị trường.

Lực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra thu giữ gần 1,4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra thu giữ gần 1,4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua ghi nhận của Chi cục QLTT Lạng Sơn, trong quá trình kiểm tra cao điểm vẫn còn một số hộ kinh doanh vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như:  Hàng hóa là thực phẩm đang bày bán tại địa điểm kinh doanh đặt trực tiếp xuống nền nhà, không bảo đảm yêu cầu đối với bảo quản thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, niêm yết giá hàng hóa chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình địa bàn, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điển hình là ngày 19/4/2025, Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Lạng Sơn phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành khám đồ vật gồm 46 bao tải dứa do ông L.V.T (địa chỉ huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) là chủ sở hữu. Kết quả khám xét, đoàn kiểm tra phát hiện, thu giữ 1,38 tấn chân gà không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, ngày 10/4, Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Lạng Sơn đã phối hợp kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 12A- 005. 09 do ông N.V.T (địa chỉ huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là người điều khiển. Kết quả khám phương tiện đã phát hiện 4.100 đơn vị sản phẩm là xúc xích các loại, trên bao bì hàng hóa có in tiếng nước ngoài.

Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc không chỉ phức tạp ở các tỉnh biên giới mà còn xuất hiện ở các địa phương sâu trong nội địa như Thái Nguyên, Hà Nội…

Cũng qua công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn, lực lượng QLTT đã thu giữ hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Tuấn Tâm tại địa chỉ số 2 ngách 19, ngõ 328 đường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, Đội QLTT số 17 phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 807 kg xúc xích, lạp xưởng, chả cá, chả mực… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Cũng trên địa bàn TP. Hà Nội, ngày 21/4, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03, Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT TP. Hà Nội) bất ngờ khám xét một kho lạnh chứa khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm. Số hàng trên được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường, đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường trong tháng cao điểm, theo ông Đặng Văn Ngọc- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn, Chi cục đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đột xuất theo quy trình của cơ quan QLTT, trong đó chú trọng các điểm kinh doanh nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng hậu quả lớn nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, nơi phục vụ người tiêu dùng là tầng lớp yếu thế (như các nhà hàng lớn, điểm phân phối hàng hóa, kinh doanh thực phẩm tại khu vực gần cổng trường học, khu vực bệnh viện, kinh doanh thực phẩm quan thương mại điện tử,...).

Ngoài ra, các Đội QLTT chủ động phối hợp cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động truyền thông; trong đó tập trung phản ánh về định hướng lựa chọn hàng hóa thực phẩm đối với người tiêu dùng, phản ánh hiệu quả công tác quản lý thị trường có tác động tích cực đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu lưu thông trên thị trường, tác động tích cực về việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng…

 

Triển khai Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội; Bắc Giang; Điện Biên; Lai Châu; Quảng Bình; Quảng Trị; Ninh Thuận; Bình Thuận; TP. Hồ Chí Minh; Bình Phước.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các đoàn kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.