Rà soát để nâng chất lượng đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Theo Chinhphu.vn

Đến năm 2016, TP Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn. Thành phố sẽ chỉ còn nắm giữ 100% vốn nhà nước tại 16 doanh nghiệp ở những lĩnh vực then chốt.

Chiều 14/11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đã chủ trì cuộc họp với UBND TP. Hà Nội về đổi mới, sắp xếp DNNN trên địa bàn.

Hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa

Từ năm 2001 đến nay, TP đã tiến hành sắp xếp 340 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 183 doanh nghiệp; chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên 56 doanh nghiệp, chuyển sang mô hình công ty mẹ – con 9 doanh nghiệp, còn lại là sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản.

Trước khi cổ phần hóa, không ít DNNN của TP. Hà Nội có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn hoạt động trầm trọng, sản phẩm hàng hóa cạnh tranh kém.

Bên cạnh đó, nhiều tồn tại về tài chính, tài sản của doanh nghiệp chưa được xử lý dứt điểm, trở thành gánh nặng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém, người lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp. Số lượng DNNN lớn, song quy mô doanh nghiệp lại nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp. Tại thời điểm 2001, vốn bình quân chỉ hơn 10,5 triệu đồng/doanh nghiệp, doanh thu trên 30 triệu đồng/doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND Thành phố quá  trình cổ phần hóa đã thu hút được vốn từ xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh, do vậy doanh nghiệp có nguồn lực để hoạt động ổn định, phát triển. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng. Theo báo cáo, doanh thu, lợi nhuận bình quân tại thời điểm 31/12/2010 so với 1/1/2001 tăng lần lượt 731% và 2.105%.

Ngoài ra, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, đã tạo động lực để doanh nghiệp, đội ngũ lãnh đạo, người lao động nâng cao trình độ quản lý, điều hành, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp cổ phần hóa đã lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành bàn giao; một số doanh nghiệp đã phê duyệt hình thức sắp xếp nhưng không thể thực hiện được do thua lỗ, mất vốn nhà nước, phải phá sản hoặc do vướng về cơ chế, đặc biệt là việc quản lý nhà đất và tính toán giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị lợi thế kinh doanh và giá trị doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, TP sẽ  hoàn thành việc sắp xếp, chuyển đổi 55 doanh nghiệp, 34 bộ phận doanh nghiệp và 3 đơn vị sự nghiệp. Đến năm 2016, Hà Nội sẽ nắm giữ 100% vốn nhà nước tại 16 doanh nghiệp là các công ty TNHH một thành viên.

Phân loại chính xác doanh nghiệp

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, thời gian vừa qua, TP. Hà Nội đã đổi mới, sắp xếp được số lượng doanh nghiệp khá lớn, nhưng trong vài năm qua có dấu hiệu chững lại, một phần nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế.

Vì vậy, Thành phố cần tích cực vào cuộc làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại vốn, đầu tư… từ đó  có phương án đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp tối ưu nhất.

Phó Thủ tướng đề nghị: “Những lĩnh vực quan trọng mà DNNN cần chi phối phải được phát triển mạnh về quy mô, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm giữ để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần tuyệt đối”.

TP Hà Nội cần đánh giá lại mô hình quản lý đối với những đơn vị đã sắp xếp, đổi mới, để từ đó tìm ra mô hình hiệu quả.

“TP cũng cần rà soát lại một cách tổng thể phương án sắp xếp, đổi mới từng doanh nghiệp để có cơ sở phân loại doanh nghiệp một cách chính xác, khoa học, xác định rõ những doanh nghiệp mà nhà nước cần chi phối, chi phối tuyệt đối hay cho cổ phần hóa, lựa chọn thời điểm phù hợp để bán vốn nhà nước” Phó Thủ tướng đề nghị.