TS. Nguyễn Trí Hiếu:
Không thể nào tiêu trừ được hoàn toàn tín dụng đen!
Tín dụng đen đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, những giải pháp tài chính như giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là không đủ - chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
PV: Thưa tiến sỹ, ông có đánh giá như thế nào về tình trạng tín dụng đen hoành hành khắp nơi và phức tạp từ nhiều năm nay?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, đây là vấn đề rất nghiêm trọng và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, một bộ phận người dân không thể tiếp cận các kênh vốn tín dụng truyền thống. Trong khi đó, họ có nhiều nhu cầu, từ nhỏ như trả viện phí cho đến lớn hơn như mua hàng tiêu dùng, hoặc cá biệt có nhu cầu cấp bách như mua bán ma tuý, cờ bạc…
Nhu cầu ngày càng cao nhưng thu nhập của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 2.800USD/người/năm, nằm trong số 1/3 số quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất thế giới. Nhiều người lao vào các kênh tín dụng đen để vay tiền, ít nhất là để có thể đáp ứng nhu cầu tạm thời.
Thứ hai, hiện tượng tín dụng đen phổ biến do nguồn cung rất sẵn, hoạt động quảng cáo rộng rãi từ các trang mạng, quảng cáo, tờ rơi… Cùng với đó là thủ tục cho vay nhanh chóng hơn so với các kênh tín dụng truyền thống. Ví dụ, chỉ cần chứng minh nhân dân và cung cấp một số thông tin như địa chỉ, điện thoại của người thân trong gia đình , trong vòng 15-30’ sẽ có người đem tiền đến ngay. Khi nhận tiền thì thường là ký nhận số tiền, chẳng có hợp đồng vay hay bất cứ văn bản pháp lý nào. Việc vay tiền càng dễ như thế càng khiến hiện tượng tín dụng đen trở nên phổ biến hơn.
Tín dụng đen đã và đang gây ra rất nhiều hệ luỵ cho xã hội. Nhưng đâu mới là mối nguy lớn nhất đối với những người đi vay, thưa tiến sỹ?
Tín dụng đen đẩy người đi vay tới tình trạng không có khả năng trả nợ, mất khả năng thanh toán. Với cách tính lãi cắt cổ, sau 1 năm, tiền lãi và tiền gốc cộng dồn có thể gấp nhiều lần tiền gốc.
Vì thế, nhiều người càng trả lãi lại càng nợ nhiều hơn. Bên cho vay đã lường trước được là bên đi vay không có khả năng trả nợ hoặc không muốn trả nợ và vì thế bên cho vay đã dự trù sẵn những biện pháp để buộc con nợ trả nợ và họ muốn con nợ khi trả nợ phải một số tiền gấp chục lần số tiền vay ban đầu.
Khi đã không có khả năng trả nợ, thì nạn nhân sẽ bị rơi vào vòng kiểm soát của người cho vay tín dụng đen. Những người này có thể sử dụng tới xã hội đen để thu hồi nợ. Việc thu hồi nợ kiểu này mang tính chất phạm pháp, ép buộc những người đi vay phải trả nợ bằng mọi cách.
Họ sử dụng không từ một thủ đoạn nào, kể cả đe doạ, khủng bố tinh thần… để người đi vay phải trả nợ. Nếu tự mình không trả được thì nạn nhân chỉ còn cách vay người khác, thậm chí buộc phải gán xe, gán nhà hoặc tất cả những cái tài sản mình có để trả nợ. Cá biệt, trong một vài trường hợp có thể xảy ra giết người, làm tổn thương sinh mạng cũng như sức khoẻ của nhiều người. Bên cạnh đó biện pháp khủng bố tinh thần qua việc gọi điện thoại cho người thân của con nợ là cách đòi nợ rất hữu hiệu. Trong nhiều trường hợp người thân khi bị quấy rầy cũng đã goi cho con nợ để thôi thúc con nợ trả nợ để chính mình thoát cái nợ “trên trời rơi xuống”.
Tín dụng đen nguy hiểm là thế, vì sao vẫn có nhiều người tìm đến tín dụng đen thay vì tìm đến các kênh chính thức?
Tín dụng đen là một hình thức cho vay nặng lãi, cho vay cắt cổ nhưng nhiều người có lẽ không hiểu biết, hoặc không quan tâm. Nhiều tờ rơi quảng cáo tín dụng đen nói rằng lãi suất là rất thấp, không tính lãi trên cơ sở năm như ngân hàng, mà nhiều khi tính theo ngày, theo tháng. Theo đó, một ngày lấy lãi chỉ vài trăm đồng, vài nghìn đồng. Số tiền lãi này có lẽ chẳng đáng gì nếu so với giá ăn một tô phở 50.000đ mỗi ngày.
Có lẽ người đi vay quên mất 1 điều là nếu tính theo cơ sở năm, lãi suất tín dụng đen có thể lên tới hàng trăm %, thậm chí có khi lên tới 400%, 700%. Đó là chưa kể đến các hình thức lãi phạt và đủ loại phí khác như phí quản lý, phí giới thiệu, phí lập hồ sơ… Nếu tính gộp tất cả lại, có thể nói tín dụng đen là tín dụng “ăn cướp”, chứ không phải tín dụng để giúp người, vì vay một đồng mà phải trả lại 4-7 đồng.
Cũng có thể một số người biết được tín dụng đen là bẫy, nhưng nhu cầu của họ quá cấp bách, không tìm cách nào khác hơn là phải tìm đến tín dụng đen. Ví dụ: Bố anh nằm viện, cần vào khoa khẩn cấp mà anh cần vài triệu để đóng tiền, thì không thể trì hoãn được. Hoặc, người nghiện hút cần ngay một liều thuốc lúc lên cơn, thì họ tìm đến tín dụng đen.
Chúng ta đã và đang có những giải pháp gì để đẩy lùi tín dụng đen? Theo ông, những giải pháp đó đã phát huy hiệu quả như mong muốn hay chưa?
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có rất nhiều nỗ lực cũng như tích cực tuyên truyền để giải quyết vấn đề này. NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại (NHTM) nới rộng tín dụng, cho vay với thủ tục nhanh chóng, tiêu chí cởi mở hơn. Chính phủ cũng kêu gọi các quỹ tín dụng nhân dân hỗ trợ.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này chỉ giúp giảm thiểu tin dụng đen nhưng không thể giải quyết vấn đề ngày được. Các NHTM cũng như công ty tài chính đều có tiêu chí cho vay, và một bộ phận người dân không thể đáp ứng các tiêu chí đó. Các ngân hàng có thể nới tiêu chí ra một chút, có thể khiến thủ tục nhanh chóng hơn… nhưng đến cuối vẫn còn sàn, trần khống chế hoạt động cho vay. Trong khi đó, các quỹ tín dụng nhân dân cũng rất hạn chế bởi nguồn vốn không dồi dào và chịu sự quản lý của nhà nước.
Tất cả các tổ chức tín dụng, từ ngân hàng cho tới quỹ tín dụng nhân dân, đều không phải là những cơ quan từ thiện, thành ra Chính phủ không thể mong đợi họ “phát chẩn” cho khách hàng.
Có hai giải pháp được đưa ra để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen là đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và giảm lãi suất, liệu những giải pháp này có đủ mạnh?
Trước hết, lãi suất không phải công cụ để giải quyết tín dụng đen. Trên thực tế, dù lãi suất tín dụng đen có lên tới vài trăm % mỗi năm mà vẫn có nhiều người chấp nhận. Các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng, nhưng phải là những khách hàng có khả năng trả nợ. Trong nhiều trường hợp họ phải tăng lãi suất để hạn chế bớt người đi vay.
Về cho vay tiêu dùng, các ngân hàng đã có nỗ lực thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Thế nhưng, ngân hàng chỉ cho vay số tiền lớn, còn những món nhỏ 3 – 5 triệu thì không có. Ngoài ra, các ngân hàng cũng rất chặt chẽ trong việc cho vay, người đi vay cần chứng minh thu nhập, tài sản bảo đảm… nên không thể giải quyết tín dụng đen chỉ bằng cho vay tiêu dùng. Người có nợ xấu sẽ bị đem vào sổ đen vì tên tuổi của họ được nêu trong báo cáo tín dụng của CIC, một công ty về báo cáo tín dụng của NHNN.
Như vậy, chúng ta cần có những giải pháp nào để đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen? Liệu chúng ta có hy vọng giải quyết tận gốc tín dụng đen hay không, thưa ông?
Theo ý kiến của tôi, trước hết, cần nâng cao thu nhập trung bình của người dân từ hơn 2.800 USD/người/năm hiện tại lên mức 5.000 USD/người/năm. Khi thu nhập nhiều hơn, người dân sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu khẩn cấp.
Thứ hai, chúng ta không thể chỉ giải quyết tín dụng đen bằng giải pháp tài chính. Nguyên nhân sâu xa của của tín dụng đen bắt nguồn từ những thiếu thốn của con người, từ thực trạng đạo đức ngày càng suy đồi… Phải nhìn rõ nguyên nhân gốc rễ là các vấn đề xã hội. Giải pháp tài chính chỉ là giải pháp tạm thời để giảm thiểu, kiềm chế tín dụng đen và phải có giải pháp đồng bộ từ tài chính, chính trị, xã hội, kinh tế thì mới giải quyết được tận gốc.
Các quỹ tín dụng nhân dân có thể học hỏi bài học ngân hàng tài chính vi mô ở Bangladesh trong vài năm gần đây: Họ cho vay với số tiền nhỏ nhưng cần ít nhất 5 người cùng làng, xóm, thôn, xã… với người đi vay cam kết thúc đẩy người đi vay trả nợ nếu người này không trả. Năm người này không chịu trách nhiệm bảo lãnh chính thức, nhưng khi một người mất khả năng trả nợ thì 5 người kia sẽ tìm cách hối thúc và hổ trợ người đi vay để trả nợ.
Nếu 5 người không thực hiện trả nợ thì họ cũng bị ảnh hưởng khi đi vay sau này. Nhờ có cách làm này, những người cùng làng xã có thể giúp đỡ nhau, đảm bảo có cơ sở vững chắc hơn để quỹ tín dụng cho vay. Trường hợp nào không thực hiện trả nợ được thì cũng phải chấp nhận vì được xem như là chi phí cho xã hội nhưng rất ít khi xảy ra trường hợp này.
Chúng ta phải chấp nhận rằng tín dụng đen vẫn sẽ tồn tại, vì trong bất cứ trường hợp nào, vẫn có một số người buộc phải tìm đến tín dụng đen để vay nợ. Chúng ta chỉ hy vọng có thể giảm thiểu tín dụng đen tới mức nhiều nhất có thể, chứ không thể nào tiêu trừ được hoàn toàn. Trở lại vấn đề căn bản là nâng cao dân sinh, nâng cao thu nhập cho người dân, và nhất là nâng cao dân trí và đạo đức của con người trong xã hội.
Hiểm hoạ khôn lường từ tín dụng đen
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm trở lại đây, cả nước có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó, có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.