Rào cản trên hành trình xóa bỏ "thiên đường thuế"
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa nhất trí về thỏa thuận áp thuế doanh nghiệp tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình xóa bỏ "thiên đường thuế" và chấm dứt cuộc chạy đua toàn cầu về thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, các điều khoản chi tiết của thỏa thuận nêu trên vẫn chưa được hoàn tất do tồn tại nhiều bất đồng, tranh cãi giữa các nước.
"Thiên đường thuế" là cách gọi bóng bẩy để chỉ những nơi áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế hoàn toàn đối với nhiều loại thu nhập và tài sản. Nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp, các nước G20 nhất trí rằng, những tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hằng năm hơn 750 triệu euro sẽ phải chịu mức thuế toàn cầu tối thiểu là 15%. Văn kiện này cũng thay đổi cách đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia có lợi nhuận cao như Amazon và Google.
Theo đó, việc đánh thuế căn cứ cả vào nơi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ, thay vì chỉ căn cứ vào nơi đặt trụ sở như trước kia, qua đó góp phần xóa bỏ các "thiên đường thuế". Thời báo New York nhận định, nếu được triển khai, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có thể tạo ra cuộc cải cách hệ thống thuế toàn cầu đáng chú ý nhất trong nhiều thập kỷ. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len), thế giới đã sẵn sàng kết thúc cuộc đua toàn cầu về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu.
Tuy nhiên, con đường đi đến hiện thực hóa thỏa thuận này vẫn còn nhiều rào cản, do nhiều quốc gia muốn nâng tỷ lệ thuế tối thiểu lên mức cao hơn. Một số chuyên gia cho rằng, mức thuế 15% không đủ hấp dẫn đối với các nước Mỹ la-tinh và châu Phi, nơi áp thuế doanh nghiệp trung bình lần lượt là 26% và 27% trong năm 2020. Nghiên cứu gần đây của EU Tax Observatory, một tổ chức quan sát thuế, cho thấy với mức áp thuế 15%, các nước như Mexico, Nam Phi và Brazil sẽ thu về lần lượt 500 triệu euro, 600 triệu euro và 900 triệu euro từ thuế doanh nghiệp trong năm 2021. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ áp thuế tối thiểu là 25% theo đề xuất của Ủy ban độc lập về cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế (ICRICT), mức thu của các nước nêu trên sẽ tăng đáng kể, đạt lần lượt là 1,3 tỷ euro, 3 tỷ euro và 7,4 tỷ euro.
Pháp cũng cho rằng, 15% chỉ là mức khởi đầu để đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) nhấn mạnh, giải pháp tốt nhất là áp thuế 25% trên lợi nhuận của doanh nghiệp, nhằm giảm đi những lo ngại chính đáng của một số nước đang phát triển.
Trong khi đó, Mỹ và Argentina muốn nâng mức thuế lên 21%. Thỏa thuận nêu trên cũng đứng trước sự phản đối của một số nước châu Âu như Ireland, Hungary và Estonia, vốn đang duy trì mức thuế ưu đãi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Khẳng định áp thuế là một vấn đề mang tính chủ quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban (V.Ô-rơ-ban) mới đây mô tả đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu là vô lý.
Các cuộc đàm phán về thuế doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10/2021. Giới phân tích kỳ vọng rằng, với thiện chí và nỗ lực của các nước, thỏa thuận sẽ được triển khai theo đúng lộ trình, góp phần quan trọng xóa bỏ "thiên đường thuế" và tạo sân chơi bình đẳng cho các nước.