Rau tía tô trị hen suyễn
Tía tô có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh tâm và phế, làm ra mồ hôi, hạ khí, tiêu đàm không chỉ có tác dụng trị cảm mạo mà còn trị ho, nấc, hen suyễn...
Tía tô còn có tên gọi là tử tô, tử tô ngạnh, xích tô. Bộ phận chế biến và sử dụng làm thuốc được thu hoạch về phơi khô trong râm mát (âm can), tử tô là cành non có mang lá của cây tía tô. Còn tử tô tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây tía tô. Tô diệp là lá tía tô phơi hay sấy khô. Tô ngạnh là cành non hay già của cây tía tô phơi hay sấy khô. Liều dùng trung bình mỗi ngày cho lá và hạt tía tô từ 6 – 12g, cành tía tô (tô ngạnh) ngày uống 12 – 20g.
Ho suyễn: Lấy một nắm lá tía tô cho vào nồi đổ vừa nước nấu sôi chừng 10 phút sau gạn lấy nước uống dần là sẽ dứt cơn suyễn.
Nấc liên hồi: Bỗng dưng thấy mắc chứng nấc liên hồi lấy ngay 10 đồng cân (1 đồng cân ứng với 3,75g) hạt tía tô sao qua, tán nhỏ. Sau đó hòa với nước lọc, gạn bỏ bã lấy nước cho gạo tẻ vào đủ nấu nhừ thành cháo và ăn. Cần ăn thường xuyên sẽ khỏi.
Cảm mạo (hắt hơi sổ mũi, biểu hiện viêm long đường hô hấp trên), bí ra mồ hôi: Lấy lá tía tô tươi từ 15 – 20g, giã nát, cho nước sôi khuấy đều, gạn lấy nước uống. Hoặc lấy lá tía tô rửa sạch thái nhỏ sợi, trộn vào cháo ăn nóng, rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi sẽ khỏi cảm. Khi mồ hôi đã ra cần lưu ý lấy khăn khô lau sạch hết mồ hôi và thay quần áo khác.
Trẻ em ho nặng, thở gấp: Lấy 20g hạt tía tô tán bột, hòa với nước đun sôi để còn hơi âm ấm, gạn bỏ bã cho trẻ uống. Hoặc trộn vào bột nước cháo hồ, hay nước cơm cho trẻ uống sẽ khỏi.
Dị ứng: Khi dị ứng do ăn hải sản hay tiếp xúc lạnh, lấy ngay 1 nắm lá tía tô rửa sạch giã vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp hay xát lên nơi ngứa dị ứng sẽ khỏi.
Suyễn người lớn tuổi: Dùng 1 lạng hạt tía tô, sao qua, tán bột mịn, đổ vào 3 bát nước hòa đều lọc bỏ bã, lấy nước cho gạo vào nấu nhừ thành cháo ăn lúc đói. Rất hiệu nghiệm.