Rộn ràng đón Tết Giáp Thìn - Lễ hội mùa xuân tại các nước


Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, ước tính có khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu, nhiều người trong số đó ở Đông và Đông Nam Á, đón năm mới âm lịch (Tết Nguyên đán).

Múa rồng mừng năm mới âm lịch 2023 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Múa rồng mừng năm mới âm lịch 2023 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Đây cũng là Lễ hội mùa xuân đầu tiên kể từ khi Liên Hợp Quốc công bố Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Việc thông qua nghị quyết cho thấy, Tết Nguyên đán đã được các nước thành viên Liên Hợp Quốc đón nhận, ủng hộ nồng nhiệt và sự kiện này sẽ ngày càng mang tính quốc tế nhiều hơn.

Lễ hội mùa xuân đang trở thành một ngày lễ toàn cầu. Dù ở đâu hay đi bao xa, việc về quê ăn Tết là một truyền thống luôn được trân trọng. Tết Nguyên đán diễn ra ở gần 20 quốc gia và được khoảng 1/5 dân số toàn cầu tổ chức theo nhiều cách khác nhau.

Những năm gần đây, "cơn sốt Tết" ngày càng "nóng" ở nhiều nước. Nhiều năm nay, một loạt lễ hội đã được tổ chức trên khắp thế giới, từ New York - Mỹ đến Tokyo - Nhật Bản, từ Madrid - Tây Ban Nha đến Belgrade - Serbia và từ Mátxcơva - Nga đến Auckland - New Zealand.

Mỗi năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc, gồm người sống ở nước ngoài, quay về quê để ăn tết cùng gia đình. Sự kiện này có tên là xuân vận, còn được ví như là cuộc di cư thường niên lớn nhất, với hàng tỉ lượt đi lại của người dân dự kiến diễn ra trong vòng 40 ngày trước và sau Tết Nguyên đán.

Thời tiết khắc nghiệt quét qua các khu vực miền Trung và miền Nam Trung Quốc trong những ngày "cao điểm" của mùa xuân vận đặt ra những thách thức lớn cho giao thông đường sắt và đường cao tốc, nhưng sự đoàn kết và kiên cường của người dân Trung Quốc, cũng như sự chủ động và phản ứng nhanh chóng của Chính phủ, đã giúp dọn đường về nhà cho hàng triệu du khách.

Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã phân bổ 141 triệu nhân dân tệ (19,84 triệu USD) để hỗ trợ các nỗ lực dọn băng, tuyết trên đường cao tốc ở 11 tỉnh và thành phố như Hồ Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh.

Tại đặc khu Hong Kong (Trung Quốc), không khí những ngày cận Tết Giáp Thìn sôi động, náo nhiệt. Các khu chợ bán hoa và trái cây tươi luôn tấp nập người mua sắm, đặc biệt là ở chợ bán buôn trái cây Yau Ma Tei và chợ hoa Mongkok thuộc khu vực đảo Cửu Long.

Là chợ trái cây có tuổi đời hàng thế kỷ, chợ bán buôn trái cây Yau MaTei cung cấp các loại trái cây nhập khẩu theo mùa từ khắp nơi trên thế giới. Khối lượng bán buôn của chợ chiếm khoảng 80% lượng trái cây tiêu thụ ở thị trường Hong Kong.

"Mua hoa tết" là phong tục truyền thống ở Hong Kong để đón tết, thể hiện niềm mong đợi của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm tới.

Đối với người Hàn Quốc, Seollal là kỳ nghỉ dài 3 ngày từ ngày cuối năm đến ngày mồng 2 tết. Trong dịp này, người dân thường về quê thăm gia đình. Một số người mặc trang phục hanbok truyền thống và chơi những trò chơi dân gian trong dịp tết. Vào ngày tết, người Hàn Quốc bày dọn mâm cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống gọi là Charye.

Các gia đình sẽ mua thực phẩm và chuẩn bị bàn cúng với các món có thịt, cá, gạo, rau củ, trái cây và bánh kẹo. Những người phụ nữ sẽ tụ tập trước ngày cúng để đi chợ và nấu thức ăn, thường là tại nhà của thành viên lớn nhất trong gia tộc và người con trai cả trong gia đình sẽ phụ trách hành lễ.

Phong tục này nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình được thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, và là dịp để gia đình tụ họp hằng năm.

Là một phần trong hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán, Lễ hội Chingay Parade ở Singapore năm nay sẽ là một bữa tiệc mãn nhãn của màu sắc. Các buổi trình diễn Chingay 2024 xoay quanh chủ đề "Blossom", biểu thị cho sự phát triển cộng đồng và tình bạn thân thiết.

Chùa Kek Lok Si trên đảo Penang (Malaysia), ngôi chùa Phật giáo lớn và lâu đời ở Đông Nam Á, bừng sáng với hàng nghìn chiếc đèn lồng và đèn neon rực rỡ. Từ những ngày đầu tháng 2, lễ đón Tết Nguyên đán 2024 lớn nhất Thái Lan đã diễn ra tại Khu Phố Tàu sôi động dọc theo đường Yaowarat của Bangkok, cùng các buổi biểu diễn văn hóa và hoạt động lễ hội.

Tại Vancouver (Canada), cuộc diễu hành Lễ hội mùa xuân gồm 3.000 người đi từ Cổng Thiên niên kỷ đến Khu Phố Tàu. Nghệ thuật và ẩm thực tràn ngập đường phố Vancouver trong lễ hội kéo dài 16 ngày, từ đêm trước Tết Nguyên đán đến ngày Lễ hội đèn lồng.

Theo truyền thông địa phương, một số địa điểm lớn ở Moscow đang hình thành tuyến đường dành cho người đi bộ để chào mừng Tết Nguyên đán. Đây cũng là năm đầu tiên Nga tổ chức lễ hội này.

Các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều hoạt động văn hóa như hòa nhạc dân gian Trung Quốc sẽ được tổ chức vì Giáp Thìn cũng là năm Văn hóa Trung Quốc - Nga 2024-2025.

Hòa chung không khí đón Tết Nguyên đán còn có các thị trấn của Australia từ Atherton ở phía Bắc Queensland đến Bendigo ở miền Trung Victoria với nhiều hoạt động chuẩn bị để tôn vinh ngày lễ đặc biệt này.

Mỗi địa phương, quốc gia đều chứa đựng sự tinh tế và độc đáo riêng để chào mừng Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bản chất của lễ hội vẫn giữ nguyên. Đó chính là cơ hội hoàn hảo để đoàn tụ với những người thân yêu, là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau tưởng nhớ tổ tiên, thưởng thức các món ăn truyền thống, trao đi những lời chúc tốt đẹp và cùng chia sẻ những dự cảm tốt lành về một năm mới đang đến gần.

Ngày càng mang tính quốc tế nhiều hơn

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ, theo tờ South China Morning Post.

Nghị quyết của ĐHĐ LHQ nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan LHQ không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Việc ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỉ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại LHQ, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo LHQ hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy việc này.

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ, theo tờ South China Morning Post.

Nghị quyết của ĐHĐ LHQ nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan LHQ không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Việc ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỉ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại LHQ, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo LHQ hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy việc này.

Theo baochinhphu.vn