Rộng cửa đón vốn FDI, vẫn lo cho doanh nghiệp Việt
(Tài chính) Với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do dự kiến được ký kết trong năm 2015, quá trình hội nhập của Việt Nam sẽ diễn ra đầy đủ và sâu rộng hơn. Điều này tạo ra cơ hội lớn hơn cho Việt Nam đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, song cũng tạo nên sự cạnh tranh lớn hơn giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Vốn FDI có thể vào nhiều hơn
Năm 2015 sẽ mở ra một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đối với Việt Nam liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có sự kiện hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Riêng với việc thành lập AEC, bản thân Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng tỏ ra tin tưởng về một làn sóng FDI từ ASEAN vào Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 12-2014, đã có 8 nước ASEAN có đầu tư FDI tại Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào và Campuchia. Tổng số dự án FDI của 8 nước trên là 2.507 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 53 tỷ USD (chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước).
"Nhìn chung, đầu tư của khối ASEAN vào Việt Nam đã tăng đều qua các năm nhưng chủ yếu từ một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Vốn đầu tư từ các quốc gia còn lại tương đối hạn chế. Đặc biệt khi AEC được hình thành vào năm 2015 thì việc quảng bá và xúc tiến đầu tư trong cộng đồng các nước ASEAN cần được đẩy mạnh hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước này vững mạnh hơn" - Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, AEC chỉ là một trong nhiều Hiệp định thương mại được đón chờ trong thời gian tới. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: Năm 2015, xu hướng mở cửa kinh tế mạnh mẽ về nguyên tắc sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh của những ngành vốn có lợi thế so sánh như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, một số nông sản…, chính điều này sẽ tạo ra sức hút đầu tư vào Việt Nam. Trên thực tế, tận dụng cơ hội đem lại của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình (TPP), nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư lớn vào ngành dệt trong hai năm qua. Thêm vào đó, mở cửa thương mại cũng gắn liền với đầu tư, tạo nên các mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong kinh doanh. Việc thành lập AEC gắn với các thị trường lớn bên ngoài như Mỹ, EU… mà Việt Nam sẽ có các Hiệp định FTA thì Việt Nam rất có thể trở thành điểm đến để đầu tư trong các lĩnh vực như điện tử, chế biến thực phẩm, dệt may… Sự có mặt của Samsung là ví dụ.
Lo cho doanh nghiệp Việt
Bên cạnh cơ hội đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, thì sự non yếu của các DN "nội" lại khiến niềm vui ấy chưa trọn vẹn. Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng: Thách thức mới đã xuất hiện. Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong năm 2015 sẽ tạo nên sự cạnh tranh lớn hơn giữa các DN FDI với các DN trong nước. Theo đánh giá chung hiện nay, các DN Việt vẫn còn yếu, kinh nghiệm làm ăn quốc tế còn thiếu cho nên có thể sẽ không đủ sức cạnh tranh với các DN khác ngay trên sân nhà. Ví dụ cụ thể nhất chúng ta có thể thấy là tỷ trọng XK của các DN nước ngoài vẫn lớn hơn nhiều so với tỷ trọng của các DN trong nước.
"Điều này cho thấy việc thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng các ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ rất khó khăn nếu không có những giải pháp thiết thực và cụ thể để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia trong tất cả các lĩnh vực. Rõ ràng, trước mắt chúng ta có thể đạt được những mục tiêu thu hút FDI về vốn, thu ngân sách,... nhưng về lâu dài đây là một thách thức lớn, trong một giai đoạn ngắn khó có thể khắc phục được" - ông Phan Hữu Thắng lưu ý.
Đi sâu đánh giá những khó khăn gặp phải trong bối cảnh hội nhập của một lĩnh vực cụ thể là ngành bán lẻ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo: Đối với các sản phẩm cao cấp, chắc chắn các trung tâm thương mại ở Việt Nam phải tính đến sự cạnh tranh của các trung tâm thương mại ở các nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản... nơi giới giàu dễ dàng đến để mua hàng cao cấp, hoặc những nhà phân phối từ các nước này vào Việt Nam cạnh tranh với họ. Tuy nhiên, tôi lo nhiều hơn trước việc nhiều nhà phân phối từ các nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản... đang thâm nhập thị trường Việt Nam nhằm vào phân khúc các sản phẩm dành cho giới thu nhập trung bình hoặc hàng bình dân. Khi đó cả các DN phân phối lẫn các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, và những khó khăn của họ có thể sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và công ăn việc làm của chúng ta.
Dẫn điều tra của VCCI, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Theo điều tra của VCCI khoảng 67% DN Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ về các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết cũng như AEC sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2015 này. Phần lớn các DN Việt Nam quá nhỏ, chưa vươn ra thị trường thế giới, chưa gia nhập các chuỗi giá trị cho nên hiểu biết của các DN Việt Nam về cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do và AEC tạo ra là rất thấp. Trong thời gian sắp tới, các DN cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hội nhập để biết được những cơ hội và thách thức đối với DN trong hội nhập. Bên cạnh cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài, tăng XK do thuế NK giảm xuống bằng 0% rất có lợi cho các sản phẩm như dệt may, da giày, hàng điện tử, đồ gỗ, gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản…