Rủi ro căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang từ diễn biến mới nhất liên quan đến Huawei


Mỹ sẽ cấm xuất khẩu chip loại cao cấp nhất không chỉ với Huawei mà cả các doanh nghiệp có khả năng đứng ra làm trung gian bán chip cho doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mỹ sẽ cấm xuất khẩu chip loại cao cấp nhất không chỉ với Huawei mà cả các doanh nghiệp có khả năng đứng ra làm trung gian bán chip cho doanh nghiệp này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang cân nhắc loại bỏ hoàn toàn doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies, ngăn doanh nghiệp này tiếp cận với tất cả các nhà cung cấp Mỹ bởi lo ngại về lý do an ninh quốc gia. Cụ thể, chính quyền Mỹ sẽ siết chặt quy định xuất khẩu nhắm đến doanh nghiệp này, theo những người có nguồn tin thân cận với vụ việc được Wall Street Journal trích đăng.

Động thái này nếu thực sự được chính quyền Joe Biden thông qua sẽ đánh dấu cho bước leo thang mới nhất trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc phát triển một số công nghệ có khả năng gây tổn hại đến quyền lợi của phương Tây.

Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách theo dõi của Bộ Thương mại Mỹ, bản danh sách trên được cho là bao gồm những doanh nghiệp có thể gây ra mối nguy hại đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã đồng ý cấp phép cho các doanh nghiệp Mỹ cho phép họ bán công nghệ cho Huawei miễn rằng không gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang cân nhắc đến việc sẽ hủy cấp phép những loại giấy phép như vậy dù rằng cho đến nay chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra. Bloomberg và Financial Times đã đưa tin đầu tiên về vụ việc.

Những loại mặt hàng Mỹ được miễn khỏi danh sách đen và có thể bán cho Huawei bao gồm các loại chip có công nghệ kém hơn được sử dụng trong điện thoại thông minh và máy tính cá nhân của hãng. Cho đến nay, Huawei đã không thể sản xuất điện thoại công nghệ 5G bởi các biện pháp hạn chế từ Mỹ đã khiến cho hãng không thể tiếp cận được với các loại chip công nghệ hiện đại nhất cần thiết để sản xuất các thiết bị này.

Đại diện của Huawei đã từ chối bình luận về thông tin nói trên. Đại diện của hãng viễn thông hàng đầu thế giới này chỉ khẳng định sản phẩm của hãng không tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia.

Giới chức đã nhắc trực tiếp đến Qualcomm và Intel, hai hãng vẫn đang tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei, và khẳng định đây là thời điểm phù hợp để giảm bán hàng cho doanh nghiệp Trung Quốc này. Đại diện của Intel và Qualcomm từ chối bình luận.

Một trong những ý tưởng đang được cân nhắc chính là sử dụng thêm các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để không chỉ cấm giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp này mà thậm chí cấm cả xuát khẩu sang nhiều doanh nghiệp khác đứng ra làm bên trung gian giao dịch để sau đó bán cho Huawei. Chính sách này tiềm ẩn khả năng gây ảnh hưởng đến các giao dịch của Huawei bên ngoài Mỹ bởi xét đến việc các linh kiện của Mỹ được sử dụng quốc tế.

Nữ phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này sẽ không công khai bình luận về các cuộc đối thoại hoặc quan điểm liên quan đến một số doanh nghiệp này.

“Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các chuyên gia kiểm soát xuất khẩu thuộc Bộ Năng lượng, Quốc phòng và Nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá chính sách và các quy định cũng như đối thoại trực tiếp với các bên liên quan”, bà nhấn mạnh.

Những diễn biến mới nhất liên quan đến Huawei không khỏi ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp này kể cả ở phân khúc thấp nhất dù rằng trong năm ngoái doanh nghiệp đã công bố thoát khỏi trạng thái khủng hoảng. Ngay cả như vậy, Huawei không thuộc nhóm 5 doanh nghiệp cung cấp thiết bị cầm tay lớn nhất tại Trung Quốc trong năm ngoái, theo số liệu của IDC.

Dù rằng tác động trực tiếp từ quy định cấm xuất khẩu cho Huawei có thể hạn chế bởi Huawei cũng đã giảm dần các giao dịch với Mỹ, nó có thể phát đi thêm thông điệp cho thấy quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang xấu đi.

Mối lo của các nhà hoạch định chính sách Mỹ liên quan đến chính sách tại Trung Quốc và khả năng gây tổn hại đến quyền lợi của phương Tây vẫn tiếp tục lớn dần kể từ khi Huawei bị đưa vào danh sách theo dõi. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và rủi ro an ninh quốc gia từ việc Trung Quốc nắm kiểm soát những mảng quan trọng nhất của ngành viễn thông toàn cầu.

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn