Rủi ro trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và vấn đề đặt ra
Hiện nay, xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Thị trường thủy sản của Việt Nam khá rộng lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), trong đó Trung Quốc là thị trường có giá trị, số lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh, xếp ở vị trí thứ 4. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi cần tập trung nghiên cứu kỹ về thị hiếu cũng như xây dựng phương thức tiếp cận thị trường bài bản để đảm bảo hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng, ổn định và bền vững.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc
Hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta thời gian gần đây có chiều hướng khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2017 đạt khoảng 653 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (38,1%), Nhật Bản (32,2%), Hàn Quốc (28,6%)...
Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh là do dân số thị trường này đông; Mặt hàng cá tra, tôm là sản phẩm được người dân Trung Quốc ưa thích. Nhiều nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc hiện nay có nhu cầu tiêu thụ thủy sản rất cao, tương đương 1/4 mức tiêu thụ của cả thế giới, do đó nước này phải tăng cường nhập khẩu (cho dù Trung Quốc được mệnh danh là cường quốc sản xuất thủy sản).
Nhu cầu thủy sản dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi dân số Trung Quốc có thể đạt 1,6 tỷ người đến năm 2026. Đồng thời, thu nhập bình quân người dân của Trung Quốc ngày càng được cải thiện cũng là yếu tố góp phần nâng cao sức mua của nền kinh tế, trong đó có tiêu thụ các mặt hàng thủy sản Việt Nam.
Theo thống kê, hiện Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (vị trí thứ 4). Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong đạt gần 501,7 triệu USD, chiếm 13,88% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tăng 1,78% so cùng với kỳ năm trước.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 30% và đạt trên 1 tỷ USD. Tính chung 10 năm trở lại đây, mặt hàng thủy sản mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là cá và tôm.
Trong đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu ở 2 dạng chính, đó là cá tra xẻ bướm và phi lê. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc đang giữ vị trí thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 371,3 triệu USD trong quý I/2017, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có gần 40 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang xuất khẩu mặt hàng cá tra sang Trung Quốc thông qua cửa khẩu Cát Lái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Móng Cái – Quảng Ninh); cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu Nà Lạn và Tà Lùng (Cao Bằng).
Vinh Hoan Corp, Bien Dong Seafood, Navico, Hung Vuong Corp và IDI Corp… Theo kinh nghiệm của các DN, sản phẩm cá tra xẻ bướm khá đặc thù, được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nhưng sẽ khó xuất khẩu cho thị trường khác nếu tình hình kinh doanh không khả quan.
Năm 2016, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đạt kết quả khả quan, trên 260 triệu USD, tương đương 15% trong cơ cấu chung xuất khẩu tôm trong năm với mặt hàng chủ lực là tôm sú.
Từ những kết quả trên có thể nhận diện một số đặc điểm nổi trội của thị trường Trung Quốc như sau: (i) Thị trường khá dễ tính với nhu cầu chất lượng thủy sản từ thấp đến cao, yêu cầu về chuẩn kỹ thuật cũng không cao như các thị trường lớn khác; người dân Trung Quốc cũng khá ưa thích sản phẩm mang thương hiệu thủy sản Việt Nam; (ii) Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc có nhiều thuận lợi, nhất là thương mại biên mậu; (iii) Trung Quốc là thị trường lớn nhưng thị phần của các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tại thị trường này còn khá nhỏ bé.
Thời gian tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, do đó, thị trường này vẫn còn nhiều dư địa cho thủy sản Việt Nam; (iv) Thị trường Trung Quốc có tính rủi ro tương đối cao so với các thị trường khác.
Thâm nhập thị trường Trung Quốc ít gặp khó khăn về chất lượng, kiểm dịch, song cũng vướng mắc một số rủi ro về như thanh toán, tín dụng, thủ tục hành chính và văn hóa kinh doanh của thương nhân Trung Quốc.
Nhận diện những nguy cơ và rủi ro khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng và quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản nước ta, song DN Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn vì chưa nhận diện được những nguy cơ cũng như lường trước được những rủi ro tiềm ẩn khi xuất khẩu thủy sản sang quốc gia này. Điển hình như:
Về chính sách, chiến lược xuất khẩu: Hiện nay, Trung Quốc vẫn đơn phương thực hiện chính sách thương mại nông - thủy sản, bảo hộ cao đối với những mặt hàng trong nước kém cạnh tranh dẫn tới làm tăng rủi ro, chi phí cho các sản phẩm thủy sản nước ta, khi xuất khẩu sang thị trường này.
Trung Quốc đã ban hành Luật An toàn thực phẩm, quy định tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu vào nước này phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng nhập khẩu sản phẩm thủy sản thông qua chính ngạch và tiểu ngạch, cơ quan thẩm quyền 2 nước cũng đang tìm kiếm biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Do đó, chính sách, quy định liên quan có thể thay đổi từng bước trong thời gian tới, nhất là từ phía Trung Quốc. Do phương thức xuất khẩu sang Trung Quốc đa dạng nên tiềm ẩn rủi ro khi phía bạn thay đổi chính sách, siết chặt quy định dẫn tới làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa và khiến DN rơi vào thế bị động.
Các DN Việt Nam cần nắm bắt thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Về mặt chiến lược, các chuyên gia chỉ ra rằng thủy sản bán cho thị trường Trung Quốc với giá tương đối cao nhưng về lâu dài sẽ không có hiệu quả. Do vậy, Trung Quốc chỉ có thể xem là thị trường tạm thời, không nên xác định đây là thị trường chính và lâu dài.
Về tín dụng, thanh toán và giao dịch đàm phán ký kết: Trong nhiều năm kinh doanh với Trung Quốc, bài học rút ra đối với DN Việt Nam là cần chú ý rủi ro về vấn đề tín dụng, thanh toán với các đối tác Trung Quốc.
Thương nhân Trung Quốc không sử dụng phương thức thanh toán ký quỹ giữa người bán và người mua (phương thức L/C) như các thị trường khác. Loại tiền dùng thanh toán các đơn hàng cũng khá đa đạng song phía Trung Quốc thường yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc VND, trong khi DN Việt Nam lại muốn thanh toán bằng USD để hạn chế rủi ro về tỷ giá.
Theo truyền thống kinh doanh, nhiều thương lái Trung Quốc chỉ đặt cọc khoảng 30% giá trị hợp đồng thủy sản (cá tra, tôm…), vì vậy, nếu phía đối tác không nhận hàng thì DN Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất lớn về hàng hóa, giá thành vận chuyển đến biên giới, thời gian, chi phí cơ hội…
Về phát triển thị trường, thực hiện giao dịch và đảm bảo nguồn cung: Nhu cầu thị trường Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm nguyên con, sơ chế nên các DN Việt sẽ khó phát triển hàng cao cấp, không mở rộng được thị trường có giá trị cao.
Chính nhu cầu này cũng thúc đẩy tình trạng thương lái trong nước thu mua các mặt hàng sơ chế để xuất khẩu ồ ạt qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hệ quả là, nguồn nguyên liệu trong nước khan hiếm hoặc phân bố tiêu thụ không đồng đều. Nhiều DN trong nước đã ký kết với khách hàng, song không có đủ nguồn nguyên liệu để cung ứng.
Việc thương lái trong nước thu mua, xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối cơ cấu xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển và đầu tư. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu hàng thủy sản không đảm bảo chất lượng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam, các rắc rối pháp lý cũng như mất các hợp đồng trong tương lai…
Bên cạnh các thương lái trong nước, cũng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc chủ động sang Việt Nam thu gom thủy sản, không truy xuất nguồn gốc, không thương hiệu, nhãn mác và không qua kiểm định khắt khe… tạo ra lỗ hổng trong kiểm định chất lượng.
Ngoài ra, các trang trại, người dân nuôi trồng thủy sản chủ yếu buôn báo trao tay với thương lái Trung Quốc mà không sử dụng hợp đồng, chứng thư có thể tác động tiêu cực tới thói quen lành mạnh trong nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nếu tình trạng này tiếp diễn, rất có thể thương hiệu ngành Thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng uy tín.
Về phương thức xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa:
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu chủ yếu vẫn đi theo đường tiểu ngạch. Do đó, không có sự ổn định về mặt thị trường, DN dễ gặp rủi ro trong vấn đề thanh toán. Mặt khác, khi đi đường tiểu ngạch, thủy sản Việt Nam không thể tiếp cận được với những khách hàng lớn ở Trung Quốc.
Muốn tạo được một thị trường ổn định và lâu dài thì phải xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, với đặc thù của thị trường Trung Quốc, chúng ta không thể chỉ xuất khẩu qua chính ngạch mà còn cần kết hợp cả phương thức tiểu ngạch.
Tóm lại, thị trường Trung Quốc tuy có nhiều tiềm năng xuất khẩu, song tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ, có thể gây hại đến uy tín, chất lượng và bóp méo cơ cấu xuất khẩu thủy sản của nước ta; cơ quan chức năng gặp nhiều thách thức trong vai trò quản lý và kiểm soát; DN và người dân thì đứng trước những rủi ro kinh doanh và thiệt hại...
Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Bài học trong xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính (như EU, Mỹ…) cho thấy, không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể phù hợp, giải quyết triệt để các rủi ro trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Do đó, các cơ quan chức năng, DN và người dân cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo quy mô, mức độ và phạm vi cụ thể sau:
Thứ nhất, về pháp luật, chính sách: Hiện nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản với Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm chất lượng, thương hiệu thủy sản Việt Nam. Do đó, các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan cần sớm xây dựng và ban hành và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nhà nước, tiêu chuẩn ngành về điều kiện sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thủy sản xuất khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, đồng thời hạn chế rủi ro của thị trường này, Chính phủ và cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ đối với các DN và người dân nuôi trồng thủy sản. Trong đó, tập trung điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho DN; tạo thuận lợi về nguồn vốn.
Cụ thể: Xem xét miễn giảm thuế đối với sản xuất và xuất khẩu thủy sản; thực hiện chính sách tài trợ xuất khẩu và thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất – xuất khẩu thủy sản; cần có chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các khâu quan trọng của quy trình sản xuất – xuất khẩu.
Để hạn chế tình trạng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nguyên liệu thủy sản, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu việc đánh thuế giao dịch của nhóm này trong nước; Nghiên cứu điều chỉnh thương mại biên mậu thông qua đàm phán với Trung Quốc để thống nhất về hệ thống cửa khẩu, mở rộng danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu; Tính toán quy hoạch chi tiết về đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh và phát triển dịch vụ kho lạnh trong cả nước với thiết bị tiên tiến.
Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích các DN nhập khẩu công nghệ cao từ các nước phát triển, bí quyết công nghệ, thuê chuyên gia giỏi nước ngoài tham gia sản xuất – xuất khẩu thủy sản.
Để tạo nguồn nguyên liệu thủy sản ổn định và có chất lượng, cơ quan chức năng cần tạo dựng các chiến lược, kế hoạch dài hạn, mục đích nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản xuất khẩu có giá trị như tôm sú, tôm càng xanh, cá lóc, cá ba sa… các loài nhuyễn thể và một số loài cá biển khác.
Trong đó, cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, tăng cường đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hệ thống sản xuất - kinh doanh; hoàn thiện công nghệ hiện có, du nhập thêm những công nghệ mới về giống nuôi, thức ăn, xử lý chế biến…
Thứ hai, tăng cường phối hợp, liên kết 3 bên Nhà nước – DN – nông dân: Thực trạng trên nhiều lĩnh vực hiện nay là Nhà nước - DN – nông dân đôi lúc thiếu sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ.
Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi DN và cơ quan chức năng đôi lúc còn bị động chính sách. Do vậy, cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước gắn kết giữa DN với người dân.
Bên cạnh đó, DN cần phối hợp với Bộ Công Thương, các Đại diện cơ quan Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến Thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể, các bên phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát và nghiên cứu về thị trường, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, hình thành hệ thống thông tin có ích, cung cấp cho các DN xuất khẩu. Thông qua các tổ chức, hiệp hội nghề, DN có thể đề nghị phía Đại diện Thương vụ xác minh giúp thực lực và uy tín các DN Trung Quốc, trước khi ký kết hợp đồng.
Thứ ba, nâng cao tính chủ động của DN Việt Nam: Để phòng tránh những rủi ro khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, các DN cần tăng cường nghiên cứu thị trường, hệ thống DN để kết nối và giao dịch.
Thông qua hoạt động này, DN có thể cập nhật thông tin thị trường, quy định mới về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng đối với từng địa phương Trung Quốc. DN có thể thông qua các hình thức đặt hàng nghiên cứu đối với các tổ chức, viện nghiên cứu về thị trường Trung Quốc để có được các báo cáo xác thực, cập nhật.
Các DN Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý và thanh toán, cần tiến tới xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch; thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong xuất khẩu thủy sản…
Bên cạnh đó, để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, các DN Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, tập trung vào giá cả, chất lượng, chủng loại.
Ở thị trường Trung Quốc, hàng thủy sản Việt Nam có lợi thế về giá thành rẻ, DN cần coi đây là công cụ có tính cạnh tranh mạnh và cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, chuẩn hóa các chi phí liên quan tới quá trình xuất khẩu hàng hóa nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh duy trì giá thành cạnh tranh, các DN cần nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc dù thị trường này tương đối dễ tính.
Thứ tư, đối với bà con nông dân, trang trại nuôi, trồng thủy sản: Thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc có 2 dạng là đánh bắt từ biển và nuôi trồng tại các trang trại, hộ sản xuất. Các chủ tàu, thuyền đánh bắt thủy sản trên biển cần chú trọng nâng cấp chất lượng nguyên liệu hải sản, chú ý vào các chủng loại có giá trị gia tăng, giảm giá đầu vào bằng cách trang bị hệ thống sơ chế và bảo quản trên tàu.
Về phía người nông dân, các chủ trang trại cần có sự nghiên cứu kỹ cơ sở đặc điểm sinh thái và tiềm năng nuôi trồng thủy sản của từng vùng địa lý, từng mặt nước; xác định các đối tượng nuôi, công nghệ nuôi, quy mô phù hợp theo hướng đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế lâu dài.
Đồng thời, người nông dân và giới chủ trang trại cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng, phấn đấu theo các mô hình sản xuất tiên tiến hiện nay.
Trong kinh doanh, người nông dân cũng nên thận trọng với thương lái Trung Quốc và sử dụng các hợp đồng, văn bản ký kết pháp lý giữa các bên. Về lâu dài, các chủ trang trại nên ký kết hợp đồng với các DN chế biến xuất khẩu lớn, không nên vì thời giá lên cao hơn mà phá hợp đồng để bán hàng cho thương lái…
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình xuất khẩu thủy sản của VASEP;
2. Giao thương hàng thủy sản Việt Nam với các DN tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/giao-thuong-hang-thuy-san-viet-nam-voi-cac-doanh-nghiep-tinh-tu-xuyen-trung-quoc-2401-401.html;
3. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh, http://www.baomoi.com/xuat-khau-thuy-san-sang-trung-quoc-tang-manh/c/20898128.epi;
4. Ngọc Ánh, Thủy sản xuất sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh, http://nld.com.vn/kinh-te/thuy-san-xuat-sang-trung-quoc-se-tang-manh-20170119223821571.htm;
5. Thanh Tân, VASEP kiến nghị gỡ khó xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, http://congluan.vn/vasep-kien-nghi-go-kho-xuat-khau-thuy-san-sang-trung-quoc.