Trung Quốc có thể gánh núi nợ xấu nếu “con đường tơ lụa” thất bại

Theo vneconomy.vn

Với tên gọi chính thức “Vành đai và Con đường”, sáng kiến con đường tơ lụa của Trung Quốc được Bắc Kinh quảng bá như một cách để thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và gắn kết quan hệ giữa các quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Trung Quốc có thể gánh núi nợ xấu nếu “con đường tơ lụa” thất bại . Nguồn: Internet
Trung Quốc có thể gánh núi nợ xấu nếu “con đường tơ lụa” thất bại . Nguồn: Internet

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đưa ra một chương trình nghị sự mang màu sắc bảo hộ, sáng kiến trên của Trung Quốc nhận được sự hưởng ứng của nhiều nước. Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, sáng kiến con đường tơ lụa cũng đi kèm với nhiều rủi ro, đặc biệt là tính an toàn của những khoản vay khổng lồ được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Hôm thứ Ba tuần này, có tin một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ bắt đầu huy động vốn cho các dự án đầu tư thuộc con đường tơ lụa - tuyến hạ tầng nhằm tạo sự kết nối thương mại xuyên suốt hơn 60 quốc gia từ châu Á, tới Trung Đông, qua châu Phi và tới châu Âu.

Trong đó, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc dự kiến huy động ít nhất 15 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước - nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters. Ngân hàng Bank of China, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng được cho là sẽ huy động hàng chục tỷ USD cho con đường tơ lụa.

Cuộc huy động vốn này đặt ra rủi ro Chính phủ Trung Quốc có thể gánh hàng trăm tỷ USD nợ xấu nếu các dự án thất bại. Theo giáo sư kinh tế Xu Chenggang thuộc Trường kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh, nếu xảy ra, điều này sẽ không gây ngạc nhiên.

“Tôi đã cảm thấy lo từ trước rồi. Ảnh hưởng sẽ không chỉ nằm gọn ở Trung Quốc mà sẽ lan rộng ra hệ thống tài chính toàn cầu”, ông Xu nói. “Những khoản vay này sẽ được cấp cho chính phủ ở những quốc gia có nhiều rủi ro, để rót vào những dự án hạ tầng rủi ro. Nếu những dự án đó được thực hiện bởi các công ty tư nhân, chúng ta sẽ không phải lo vì các công ty tư nhân lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Nhưng ở đây chúng ta đang nói đến chính phủ cho chính phủ vay tiền, tức là quan hệ liên chính phủ”.

Theo ông Xu, vấn đề sẽ phát sinh từ một hiện tượng gọi là “hạn chế ngân sách mềm” (soft budget constraints). Đây là hiện tượng mà trong đó, các công ty thuộc sở hữu nhà nước không được phép phá sản, dù mất khả năng thanh toán, vì nhà nước có lợi ích trong việc phải giữ cho các công ty đó “sống”.

Một quốc gia có hạn chế ngân sách mềm và một số lượng lớn những công ty “xác sống” có thể sẽ chật vật trong tìm kiếm nguồn vốn, và điều này có ảnh hưởng tài chính toàn cầu.

Đối với một quốc gia như Trung Quốc, nơi có nhiều doanh nghiệp quốc doanh, thì vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại. Theo ông Xu, Trung Quốc đã trải qua hàng thập kỷ cải cách kinh tế và chịu đựng những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ trước khi thành công trong quá trình mà vị giáo sư gọi là “tư nhân hóa lặng lẽ” vào đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, quá trình này đã chững lại trong 10 năm qua, khiến Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề như dư thừa công suất và vô số công ty “xác sống”, nhất là trong ngành luyện kim, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ông Xu nhấn mạnh, thực trạng này chính là một động cơ khiến Trung Quốc đi đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”: “Thay vì giải quyết vấn đề dư thừa công suất, họ đưa phần công suất dư thừa ra các dự án ở nước ngoài”.

“Họ [Trung Quốc] đang đề xuất cho vay tiền các chính phủ nước ngoài. Rồi chính phủ nước ngoài sẽ dùng tiền vay của Trung Quốc để trả cho các công ty Trung Quốc”, ông Xu giải thích.

Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IFF), tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc đã vượt 300% vào thời điểm tháng 6 vừa qua. Đó là trước khi có tin các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc vào cuộc huy động vốn cho con đường tơ lụa.

“Việc tạo ra những giới hạn ngân sách mềm với một tốc độ chưa có tiền lệ như vậy, ở một quy mô lớn như vậy sẽ tạo ra những hậu quả chưa từng có tiền lệ”, ông Xu nhận định.

Trên thực tế, một số quốc gia trên tuyến đường tơ lụa được coi là những nền kinh tế đang phát triển có mức độ rủi ro cao nhất thế giới.

“Tôi tin chắc là sẽ có một số lượng lớn những dự án có vấn đề không thể lường trước”, ông Bjorn Conrad, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc nhận định. “Có rủi ro lớn về nợ xấu ở nhiều dự án, và nguy cơ vỡ nợ là cao. Một cách mặc nhiên, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc là rủi ro đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Conrad cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng đánh giá kỹ rủi ro, sau khi đã gánh thiệt hại lớn vì cho những quốc gia bất ổn như Venezuela vay tiền.