Saigonbank đặt mục tiêu lãi 368 tỷ đồng, phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu chia cổ tức tỷ lệ 10%
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 368 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Tăng vốn lên trên 3.300 tỷ, nợ xấu kiểm soát dưới 3%
Sáng ngày 25/4, Saigonbank (mã SGB) tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Năm 2024, Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thiện phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đồng thời, triển khai các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập, kiểm soát nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.
Saigonbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn huy động đạt 27.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 3% và 12,87%. Nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế là 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023.
Năm 2023, Saigonbank ghi nhận đạt hơn 332 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế gần 267 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ và dự phòng, ngân hàng còn lại gần 227 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Saigonbank trình Đại hội quyết định việc trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động, quỹ của người quản lý và dành nguồn tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ông Trần Thanh Giang - Tổng Giám đốc Saigonbank cho biết, Ngân hàng dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% (Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Saigonbank sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị cũng trình Đại hội quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của người quản lý năm 2023 là 10,38 tỷ đồng. Thù lao cho năm 2024 dự kiến giảm xuống còn 7,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý I đạt gần 68 tỷ đồng
Chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, lãnh đạo Saigonbank cho biết, tổng tài sản đến hết quý vừa qua là 31.863 tỷ đồng, huy động 27.069 tỷ đồng, cho vay là 19.739 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế gần 68 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Lý giải về kết quả kinh doanh nêu trên, lãnh đạo Saigonbank cho biết, quý đầu năm 2024, các doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn, ngân hàng cũng không thoát khỏi tình trạng chung nhưng Saigonbank vẫn hỗ trợ, đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp.
Nói về nợ xấu, lãnh đạo Saigonbank cho rằng nợ xấu có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo của ngân hàng.
“Nói đến ngành Ngân hàng không thể không có nợ xấu. Có nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề này, như doanh nghiệp vì lý do nào đó chuyển nợ thành nợ xấu, ngân hàng phải đồng hành với khách hàng. Thêm nữa, đứt gãy chuỗi cung ứng, không xuất khẩu được, do đó cũng khó trả nợ. Saigonbank đánh giá đúng tính chất khoản nợ từng nhóm, không che giấu, để có hướng xử lý đúng”, ông Trần Thanh Giang - Tổng Giám đốc Saigonbank chia sẻ.
Trước thắc mắc của cổ đông về việc tại sao ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt, Lãnh đạo Saigonbank cho biết, Ngân hàng có đầy đủ quỹ để chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước khuyến khích chia bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn cho ngân hàng. Cổ đông cũng có thể chuyển đổi cổ phiếu thành tiền mặt dễ dàng thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán.
Về kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), lãnh đạo ngân hàng nêu, hiện các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE và đã ký hợp đồng với VCBS để tư vấn chuyển sàn.
"Tuy nhiên, đây là quá trình dài và phức tạp, sẽ làm sớm nhất câu chuyện chuyển sàn trong thời gian tới", Lãnh đạo Saigonbank chia sẻ.