Sân bay thứ 2 Hà Nội không được xây dựng trong thập niên tới
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không do Cục Hàng không Việt Nam soạn thảo, tới năm 2040 mới tính đến nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
Mới đây, thông tin từ đại diện Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đã hoàn tất dự thảo và đưa ra lấy ý kiến quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc tế trên cả nước.
Dự kiến, tới năm 2030, cả nước sẽ có 26 sân bay thay vì 28 như quy hoạch hiện nay, hai sân bay Nà Sản và Lai Châu đã có trong quy hoạch hiện nay sẽ được lùi sau năm 2030. Dự thảo cũng không có sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn như đề xuất của hai địa phương trước đó.
Sân bay Nội Bài dự kiến được mở rộng với 3 đường băng vào năm 2030, 4 đường băng vào năm 2050, xây thêm 3 nhà ga mới, để nâng công suất lên 100 triệu khách vào năm 2050. Sân bay Long Thành được xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2025, và tiếp tục phát triển lên 4 đường băng, thêm nhà ga... để đạt công suất 120 triệu khách vào năm 2050.
Sân bay Đà Nẵng mở rộng lên 3 đường băng, mở rộng nhà ga để đạt công suất 40 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) sẽ được mở rộng lên 2 đường băng, công suất đạt 10 triệu khách/năm vào năm 2050.
Bên cạnh đó, có 2 cảng hàng không mới được bổ sung vào quy hoạch là sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự thảo chưa xác định vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội, chỉ nêu nghiên cứu vị trí sau năm 2040.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây 2 tháng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất đặt sân bay thứ hai của thủ đô tại huyện Ứng Hòa.
Trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị Thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều nhiều môi giới BĐS lập tức lợi dụng thông tin để kêu gọi các nhà đầu tư mua gom đất, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cũng cho biết liên tục nhận hàng chục cuộc gọi chào mời đầu tư đất nền tại Ứng Hòa, với nhiều cam kết hấp dẫn.
Trước sự “hấp tấp” của các “nhà đầu tư tài ba”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về việc đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên “cầm đèn chạy trước ô tô” bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.
Trong khi đó, với dự thảo mới của Cục Hàng không, các chuyên gia một lần nữa cảnh báo các nhà đầu tư phải “tỉnh táo” với việc “cầm đèn chạy trước quy hoạch”. Không đuổi theo các đề xuất, ôm đất chờ dự án cả chục năm không thấy như tại Đông Anh, hay “chết chìm” vì chủ đầu tư rút dự án tại Hòa Lạc hồi giữa năm 2020.