Sản phẩm mới và sự phân chia lại thị phần
Sau phái sinh, thị trường chứng khoán lại chuẩn bị đón nhận thêm sản phẩm mới, đó là chứng quyền có đảm bảo. Điều này hứa hẹn một cuộc cạnh tranh cực kỳ sôi động giữa các công ty chứng khoán và góp phần đáng kể để phân chia lại thị phần.
Top 10 chật chội
Trước đây, khi nhắc đến thị phần của công ty chứng khoán, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Thị phần trái phiếu chỉ là cuộc chơi của một vài công ty chứng khoán. Nhưng trong khoảng 2 năm qua đã có nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt với sự xuất hiện của thị trường phái sinh với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai.
Với việc có những ngày giá trị giao dịch lên đến 10.000 tỷ đồng, cao hơn cả thị trường cơ sở, đã tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều công ty chứng khoán cả lớn lẫn nhỏ, cả kỳ cựu lẫn tân binh. Khoảng 7-8 công ty chứng khoán thường xuyên góp mặt trong top 10 như SSI, HSC, VNDS… đã quá quen mặt với nhà đầu tư. Gần như chỉ thay đổi về thứ hạng thị phần chứ hiếm khi nào có các nhân tố mới đủ sức thách thức top 10 trong những năm qua. Họa hoằn lắm mới có một tên tuổi mới xuất hiện nhưng không lâu sau đó đã bị loại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng có thể kể ra hai điểm chính. Thứ nhất, sự phân hóa khá rõ nét về chất lượng dịch vụ của công ty chứng khoán top 10 so với nhiều đơn vị khác là yếu tố quan trọng.
Thứ hai, khi mà mặt bằng công nghệ, chất lượng dịch vụ của nhiều công ty chứng khoán san sát nhau, khoảng cách là rất nhỏ thì khách hàng sẽ chọn công ty chứng khoán “quen mặt” hơn là tìm kiếm những nơi khác vì đi đâu thì cũng tương tự nhau.
Tất cả những yếu tố này tạo nên việc top 10 đã giữ đến hơn 70% thị phần chứng khoán cơ sở và các công ty chứng khoán khác có đổ mạnh tiền cũng không dễ gì mà chiếm được thị phần.
Cơ hội cho tân binh
Một loạt các công ty chứng khoán như Yuanta, KB, Mirae Asset… đã thay đổi hoàn toàn diện mạo sau khi được các tập đoàn nước ngoài bơm vốn. Với sản phẩm mới như phái sinh, nhà đầu tư tiếp cận giống nhau, thị phần bắt đầu từ con số 0, thì cơ hội giữa nhóm tân binh nhưng rất có thực lực (vốn mạnh, công nghệ) với nhóm kỳ cựu là ngang nhau.
Nếu như giảm phí môi giới, giảm lãi suất margin chưa chắc đã kéo được khách từ công ty chứng khoán lớn sang công ty chứng khoán nhỏ hơn thì việc giảm, thậm chí miễn phí giao dịch hợp đồng tương lai đã và đang trở thành công cụ cạnh tranh cực kỳ hữu hiệu cho những tân binh trên thị trường.
Với một sản phẩm mới như hợp đồng tương lai, các công ty chứng khoán nhỏ đôi khi cũng không phải tìm kiếm tập khách hàng là những nhà đầu tư hiện hữu, mà có thể tìm cả những nhà đầu tư mới gia nhập.
Một lợi thế ở đây là hợp đồng tương lai hay chứng quyền đều là những sản phẩm cao cấp của thị trường chứng khoán. Như vậy, những công ty chứng khoán vốn ngoại, dù đến sau nhưng lại có công nghệ, kinh nghiệm của tập đoàn mẹ cũng có thể là một lợi thế trong việc triển khai công nghệ, tư vấn nhằm đem lại nhiều quyền lợi hơn cho nhà đầu tư.
Và một lợi thế cuối cùng có thể kể ra ở đây chính là các công ty chứng khoán nhỏ có thể tập trung toàn phần cho cuộc đua phái sinh, trong khi công ty chứng khoán lớn đứng trước áp lực phải bị phân tán nguồn lực. Các đơn vị này luôn phải khẳng định vị thế của mình ngay trong những sản phẩm mới, tránh việc bị “đàn em” vượt mặt. Nhưng trong mặt trận truyền thống, chỉ cần sơ sẩy thì lập tức có thể bị mất vị thế nên các công ty chứng khoán lớn cũng không dám lơ là. Vì vậy khi càng có nhiều sản phẩm, thị phần giữa các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục phân mảng và tạo ra nhiều cuộc cạnh tranh thú vị.