Dòng tiền rục rịch đón sản phẩm mới
Thanh khoản cải thiện trong những phiên giao dịch đầu tháng 5 đang cho thấy dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán và có chuyển động tăng dần qua từng phiên ở các cổ phiếu có liên quan tới sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW).
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 5, giá trị giao dịch trên toàn thị trường đã quay trở lại mức gần 4.000 tỷ đồng/phiên, cải thiện lớn so với mức giao dịch dưới 3.000 tỷ đồng trong tháng 4/2019.
Nhóm các cổ phiếu như FPT, MSN (Masan), HPG (Hòa Phát), PNJ, GAS (PV Gas)… đang vận động theo xu hướng tích cực với diễn biến giá đang ở phía tăng và thanh khoản ổn định.
Dòng tiền dịch chuyển
Theo thông tin mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tất cả các khâu để sẵn sàng cho sản phẩm chứng quyền có bảo đảm chính thức được giao dịch đã hoàn tất. Việc niêm yết và giao dịch CW trên thị trường chứng khoán dự kiến vào ngày 28/06/2019.
Trên nền tảng của Thông tư số 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch CW, các văn bản pháp quy đã được ban hành và có hiệu lực, hình thành khung pháp lý quy định và hướng dẫn đầy đủ để đảm bảo các hoạt động.
Trong giai đoạn đầu, dự kiến có 7 công ty chứng khoán đăng ký phát hành 12 CW dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở chuẩn bị ra mắt thị trường. Mỗi CTCK sẽ lựa chọn mã chứng khoán phù hợp để phát hành CW.
Loại CW được triển khai thời gian đầu là loại chứng quyền mua trên cổ phiếu đơn lẻ, thực hiện quyền kiểu châu Âu, phương thức thanh toán bằng tiền, nên dễ dàng giao dịch và phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư.
Các mã cổ phiếu được lựa chọn phát hành đều là các mã bluechip, vốn hóa lớn, thanh khoản cao. Sản phẩm cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao, từ 7 – 10 lần; vòng đời giới hạn từ 3 đến 24 tháng…
Quan sát diễn biến của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây, một chuyên gia chứng khoán cho biết dòng tiền đang chuyển động tăng dần qua từng phiên ở các cổ phiếu liên quan tới sản phẩm CW như MWG (Thế giới Di động), CTD (Coteccons), VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk)… (theo danh sách cập nhật đến ngày 14/1/2019).
Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 2/5, khối lượng giao dịch của cổ phiếu CTD là hơn 53.000 đơn vị nhưng trong phiên giao dịch ngày 3-6/5 khối lượng giao dịch của CTD đã ghi nhận lên 83.000 đơn vị.
Hay cổ phiếu ROS (FLC Faros) với mức thanh khoản quanh mốc 10 triệu đơn vị mỗi phiên luôn đạt vị trí "quán quân" về thanh khoản trên sàn HoSE. Tương tự, thanh khoản của cổ phiếu MSN cũng cải thiện rất nhiều trong những phiên giao dịch gần đây, khối lượng giao dịch đã cán mốc 870.000 đơn vị tại phiên giao dịch ngày 3/5.
Trước đó, để chuẩn bị cho sự ra mắt của sản phẩm mới này, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã có thông báo về việc thay đổi hạn mức chào bán CW của các mã chứng khoán cơ sở.
Theo đó, cổ phiếu CTD được điều chỉnh giảm hạn mức chào bán CW từ ngày 14/1/2019 với hạn mức mới là gần 4,1 triệu cổ phiếu; hạn mức chào bán mã MWG cũng được điều chỉnh tăng từ hơn 26,6 triệu cổ phiếu lên hơn 27,4 triệu cổ phiếu do cổ phiếu MWG chào bán cho người lao động (ESOP) được đưa vào niêm yết.
Sản phẩm mới, kỳ vọng mới
Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tham gia giao dịch được phát hành bởi công ty chứng khoán. CW luôn gắn liền với một mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ.
Người sở hữu sẽ có quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở tại một mức giá xác định trước, vào trước hoặc tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Nhà đầu tư mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch hoặc giữ đến đáo hạn.
CW đã được chờ đợi khá lâu và là một trong những điều kiện giúp thị trường chứng khoán Việt ghi thêm điểm trong quá trình xét duyệt nâng hạng. Sản phẩm cũng sẽ giúp các nhà đầu tư ngoại dễ dàng tiếp cận các cổ phiếu mà khối này khao khát sở hữu nhưng đã hết room.
CW sẽ giúp hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên thị trường chứng khoán vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ.
Đồng thời mở ra một kênh giao dịch mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể linh hoạt thực hiện chiến lược giao dịch của mình, tìm kiếm được suất sinh lợi cao hoặc thực hiện phòng ngừa rủi ro với chi phí thấp do đặc tính nổi bật nhất của CW chính là tính đòn bẩy cao.
Kỳ vọng về sản phẩm mới này, một nhà đầu tư cho biết, với tính đòn bẩy và khả năng sinh lời cao, vốn đầu tư thấp, CW sẽ thu hút được dòng tiền linh hoạt, đặc biệt những cổ phiếu được các CTCK chọn phát hành sẽ nhận được sự quan tâm hơn.
Từ đây, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua chứng quyền để hưởng lợi từ việc tăng giá của các cổ phiếu đã hết room.
Vậy, đầu tư chứng quyền có rủi ro không? Thực tế, mỗi sản phẩm tài chính đều có những rủi ro nhất định, đối với CW, bên cạnh những rủi ro thị trường, nhà đầu tư sẽ phải đối diện với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tổ chức phát hành.
Tuy nhiên, rủi ro này là thấp do tổ chức phát hành phải mua chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro và phải ký quỹ 50% số tiền thu được từ phát hành chứng quyền để đảm bảo thanh toán khi chứng quyền đáo hạn.