Sẵn sàng tái khởi động nền kinh tế
Trong tình huống đối diện với hàng loạt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Đây là tiền đề quan trọng để khi dịch Covid-19 lắng xuống, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ hơn, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là sẵn sàng tái khởi động nền kinh tế với quyết tâm cao nhất.
Vẫn tăng trưởng dù gian khó
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề... Thực tế đó đòi hỏi sớm chuẩn bị kịch bản và có giải pháp vực dậy nền kinh tế hiện tại cũng như sau dịch.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 20/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch Covid-19 kết thúc, quyết tâm đưa kinh tế đi theo mô hình chữ V (phục hồi nhanh sau khi bị giảm sâu).
"GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, do hoạt động của doanh nghiệp suy giảm mạnh; mục tiêu GDP tăng trưởng 6,8% của cả năm là thách thức rất lớn và khó đạt được. Trong trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP cả năm 2020 dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, ngay sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ đang phối hợp xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế, thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Trước tiên, kiểm soát dịch hiệu quả; thực hiện quyết liệt các giải pháp đã ban hành nhằm duy trì hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi hết dịch. Tiếp theo, đánh giá các tác động của dịch bệnh tới các ngành, lĩnh vực, cả nền kinh tế; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như: Nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin, hiện đơn vị đang tiếp nhận báo cáo của các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp tình hình. "Ngay khi có đủ số liệu đầu vào, chúng tôi sẽ tập trung phân tích, xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ", ông Nguyễn Bích Lâm xác nhận.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung nhận định, quý I-2020, GDP tăng 3,82% trong hoàn cảnh khó khăn là điều rất đáng ghi nhận. Song thời gian tới, các mục tiêu tăng trưởng sẽ phải điều chỉnh. Cú sốc Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái, đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu của phương thức phát triển cũ và các rủi ro xung quanh chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng hưởng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, cấu trúc kinh tế thế giới sẽ có những biến đổi sâu sắc hơn nữa. Bởi vậy, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm tham gia ngay vào cấu trúc mới của nền kinh tế thế giới sau khi hết dịch.
Từ góc nhìn đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, nền kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch bệnh được dự đoán có sự thay đổi. Các chuỗi giá trị được thiết lập lại, mô hình kinh doanh mới hình thành, do đó cần chuẩn bị nền tảng thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để thích ứng, tận dụng cơ hội mới.
Phải nỗ lực gấp ba
Thực tế, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã chọn mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ tăng trưởng kinh tế.
Đến lúc này, ở "mặt trận" phòng, chống dịch, Việt Nam đã thực hiện khá tốt. Dịch Covid-19 được kiểm soát, với những giải pháp ứng phó nhanh chóng, linh hoạt. Ở "mặt trận" kinh tế, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân “chưa từng có trong lịch sử” đã được ban hành. Cụ thể là các gói giải pháp tiền tệ trị giá 330.000 tỷ đồng; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đơn vị, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trị giá 180.000 tỷ đồng...
Để thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân đầu tư công cũng đang được đẩy mạnh. Theo đó, khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 phải được giải ngân ngay, không cần chờ đợi đến cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống cho người dân và phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra cũng có ý nghĩa rất quan trọng. “Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao. Tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại tinh thần chung tay góp sức, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, sự hỗ trợ từ Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp lúc này là cần thiết. Song, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng phải xây dựng kịch bản cho chính ngành mình, doanh nghiệp mình vì tác động của dịch bệnh tới từng ngành, từng doanh nghiệp khác nhau.“Mỗi đơn vị lại mạnh, yếu khác nhau nên cách “đứng dậy” cũng sẽ khác nhau”, ông Thiên nói.
Tuy chưa thể khẳng định thời điểm nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng nếu chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, nhất định nền kinh tế sẽ vượt qua thách thức và hồi phục nhanh sau đại dịch.