Khi nào Việt Nam có thể tái khởi động nền kinh tế?
Sau thời gian cách ly xã hội, kiểm soát và làm phẳng đường cong COVID-19, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tái khởi động nền kinh tế. Bởi lẽ nếu kéo dài tình trạng hiện nay thì không chỉ các ngành dịch vụ khó tồn tại trong vài tháng tới mà ngay cả các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong hồi phục.
Tổn thất của việc cách ly xã hội
Lý do của việc cần tái khởi động nền kinh tế được các chuyên gia phân tích của VinaCapital cho biết: Có ba rủi ro (theo thứ tự mức độ nghiêm trọng) của việc không mở cửa lại nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng gồm: Cách ly xã hội gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới người thu nhập thấp; thời gian cách ly xã hội càng kéo dài, càng khó khăn cho nhiều doanh nghiệp phục hồi; đóng cửa một phần kinh tế đã bắt đầu tạo ra bất ổn xã hội ở một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Ý và ở một số vùng của Mỹ.
Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp cũng khẳng định khó duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử như ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp dệt may tại thành phố chỉ có thể duy trì hoạt động được đến hết tháng 4/2020. Nguyên nhân do họ thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu, thanh khoản yếu nên không tiếp cận được vốn…
Thêm vào đó, theo giới chuyên gia, ở Việt Nam, ngành dịch vụ đang chiếm khoảng 40% GDP nhưng ngành này lại có một phần không nhỏ là các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Các cửa hàng này đặc biệt dễ lâm vào tình cảnh khó khăn khi nền kinh tế đóng cửa một phần, khi họ khó có thể tiếp cận đến những khoản vay ngân hàng để giúp họ tồn tại trong vài tháng tới, cho đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Gần đây, nhiều chủ cửa hàng đã chia sẻ, họ vẫn đang tuân thủ tốt các yêu cầu đóng cửa theo Chỉ thị của Chính phủ nhưng khó có thể cầm cự nếu việc đóng cửa còn kéo dài. Đại diện của chuỗi cửa hàng ẩm thực Ụt Ụt cho biết, do không có doanh thu nên vài trăm lao động của doanh nghiệp này đang đứng trước bờ vực không có nguồn thu nhập hay lương hỗ trợ ngừng việc nếu thực trạng hiện tại kéo dài. Chưa hết, doanh nghiệp này cũng đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cũng như không được một số chủ cho thuê mặt bằng chấp thuận giảm giá thuê…
Standard Chartered đã công bố một báo cáo vào tuần trước, phân tích khả năng hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ các nền kinh tế mới nổi trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Theo Standard Chartered, cả Việt Nam và Mexico đều còn nguồn lực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên, nguồn lực này cũng hạn chế và cả hai cần phải cân nhắc lựa chọn cách triển khai hiệu quả nhất.
Khi nào có thể mở cửa trở lại?
Theo các chuyên gia phân tích của VinaCapital, các quan chức y tế ở hầu hết các quốc gia chủ yếu tập trung vào hình dạng đường cong của biểu đồ dịch COVID-19 (bao gồm số ca nhiễm COVID-19 còn lại, số ca nhiễm mới và/hoặc số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày) để đưa ra các quyết định liên quan như: có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 hay mất bao lâu để quốc gia có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Và chính quyền ở mỗi quốc gia thường muốn thấy số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày đã đạt đỉnh và đang giảm dần, trước khi cho phép các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường. Tại Việt Nam, Chính phủ đang làm rất tốt trong việc “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch COVID-19 nhờ các biện pháp y tế cộng đồng nhanh chóng và quyết liệt, và hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Do đó, Việt Nam sẽ cần cân nhắc các yếu tố khác bên cạnh hình dạng đường cong của biểu đồ dịch COVID-19 để xem xét lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.
Một yếu tố mà Việt Nam có thể tập trung vào là sự ổn định liên tục của đường cong biểu đồ số ca nhiễm còn lại, với quy ước rằng số lượng các ca nhiễm mới không vượt quá nhiều so với số ca hồi phục hàng ngày.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét 2 yếu tố được các quốc gia trên thế giới sử dụng để quyết định lộ trình mở cửa lại nền kinh tế (bên cạnh tiêu chí hình dạng đường cong của biểu đồ dịch COVID-19): Thứ nhất là khả năng theo dõi và kiểm soát COVID-19. Thứ hai là năng lực của hệ thống y tế cả nước để xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm COVID-19.
Với tiêu chí đầu tiên, Việt Nam đã cho thấy khả năng rất tốt của chính quyền trong việc theo dõi và kiểm soát COVID-19. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình trong việc theo dõi quyết liệt và kiểm soát COVID, nhờ vậy Hàn Quốc đã tránh được việc phong tỏa toàn diện trên cả nước.
Về tiêu chí thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới dường như không có đủ năng lực xét nghiệm COVID cho đến cuối năm 2020 ngoại trừ Hàn Quốc, nơi đã tăng đáng kể chi tiêu cho y tế cộng đồng kể từ sau khi dịch MERS bùng phát năm 2015. Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi tương đối yếu (dù hệ thống y tế Việt Nam mạnh hơn nhiều khu vực - đặc biệt là so với khu vực Mỹ Latinh), nhưng bù lại Việt Nam có những lợi thế đặc trưng riêng như: Dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia mới nổi khác; điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và thời tiết của Việt Nam cũng đang góp phần gia tăng tỷ lệ hồi phục do COVID-19 cao hơn so với nhiều quốc gia (ở một số quốc gia số người mắc bệnh nền hay thậm chí mắc nhiều bệnh nền cùng lúc khá cao - ví dụ như béo phì, tiểu đường và hen suyễn - khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn nhiều so với Việt Nam).