Tái khởi động nền kinh tế: Cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nền kinh tế

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn

Dịch Covid-19 đã buộc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng như trên thế giới phải lựa chọn giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nền kinh tế.

Chính phủ nhiều nước đang cân nhắc tái khởi động nền kinh tế. Nguồn: internet
Chính phủ nhiều nước đang cân nhắc tái khởi động nền kinh tế. Nguồn: internet

Và hầu hết các Chính phủ đã ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn sức khỏe nền kinh tế kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên tuần trước, một số quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và Tổng thống Donald Trump cũng đã đề xuất các bước để tái khởi động kinh tế Mỹ.

Thiệt hại kinh tế của việc phong tỏa

Dù hiểu rằng việc mở lại nền kinh tế có nguy cơ làm tăng số ca nhiễm Covid-19, các chính phủ giờ đây bắt đầu e ngại việc kéo dài phong tỏa thậm chí còn có thể khiến cho công dân của họ lao đao hơn cả việc đương đầu với dịch bệnh.

Trên thực tế, các chính phủ đôi khi bị buộc phải chấp nhận rủi ro với số ít để mang lại lợi ích lớn hơn cho toàn xã hội. Các nhà kinh tế gọi sự lựa chọn khó khăn này là một “Faustian Bargain” (thỏa thuận với quỷ). Ví dụ, số người có khả năng tử vong trong các vụ tai nạn ô tô ở Mỹ trong năm nay cao gần bằng số ca tử vong dự kiến do Covid-19 ở Mỹ trong cùng năm.

Tương tự như vậy, tại Việt Nam, số ca tử vong do tai nạn giao thông gần như chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong do Covid-19 vì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất thế giới; trong khi đó Việt Nam lại có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới.

Các Chính phủ trên thế giới đang so sánh tổn thất giữa việc kéo dài lệnh phong tỏa với việc nới lỏng các biện pháp biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn tới khả năng tăng số ca nhiễm Covid-19. Các quyết định khác nhau đã và đang được đưa ra, dựa trên hoàn cảnh của từng quốc gia và các tiêu chí mà từng quốc gia sử dụng để đánh giá tổn thất xã hội của việc phong tỏa.

Nhóm nghiên cứu kinh tế của VinaCapital cho rằng, chi phí xã hội khi đóng cửa một phần nền kinh tế ở Việt Nam cao hơn chi phí ở các nước giàu và phát triển. Ví dụ tại Mỹ, việc phong tỏa khiến thất nghiệp gia tăng đáng kể (hơn 22 triệu người Mỹ đã mất việc trong bốn tuần qua), nhưng Chính phủ Mỹ có đủ nguồn lực tài chính để có thể chi một số tiền rất lớn hỗ trợ các doanh nghiệp và những người mất việc.

Có thể nhận thấy ba rủi ro, xếp theo thứ tự mức độ nghiêm trọng, của việc không mở cửa lại nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng.

Thứ nhất, cách ly xã hội gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới người thu nhập thấp.

Thời gian cách ly xã hội càng kéo dài, càng khó khăn cho nhiều doanh nghiệp phục hồi. Đóng cửa một phần kinh tế đã bắt đầu tạo ra bất ổn xã hội ở một số quốc gia, bao gồm ở Ấn Độ, Ý và ở một số vùng của Mỹ

“Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là các biện pháp cách ly xã hội và hạn chế di chuyển nhằm chống lại Covid-19 có khả năng tác động lớn nhất tới người thu nhập thấp. Những lao động này thường không thể làm việc tại nhà và Chính phủ khó có thể đủ nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp một số lượng lớn lao động thất nghiệp”, nhóm nghiên cứu kinh tế của VinaCapital chia sẻ.

Thứ hai, cách ly xã hội gây tốn kém về nguồn lực.

Standard Chartered đã công bố một báo cáo vào tuần trước, phân tích khả năng hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ các nền kinh tế mới nổi trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo Standard Chartered, cả Việt Nam và Mexico đều còn nguồn lực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế - không giống như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, nguồn lực này của Việt Nam và Mexico cũng hạn chế, cả hai cần phải cân nhắc lựa chọn cách triển khai hiệu quả nhất.

Thứ ba, ngành dịch vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành dịch vụ của Việt Nam (chiếm khoảng 40% GDP) có một phần không nhỏ là các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Các cửa hàng này đặc biệt dễ lâm vào tình cảnh khó khăn khi nền kinh tế đóng cửa một phần, khi họ khó có thể tiếp cận đến những tín dụng để giúp họ tồn tại trong vài tháng tới, cho đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Các quốc gia đang bắt đầu tái khởi động nền kinh tế

Các nước như Áo, Na Uy, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Đức đang bắt đầu tái khởi động nền kinh tế sau khi đã phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau trong khoảng 1 tháng - bắt đầu từ khoảng giữa tháng Ba.

Trong khi đó tại Mỹ, mỗi tiểu bang có thẩm quyền quyết định chính sách phong tỏa của riêng mình, điều này làm vấn đề trở nên phức tạp hơn vì một số bang như New York bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề hơn so với những bang không có các đô thị lớn.

Khi nào có thể mở cửa trở lại? Các quan chức y tế ở hầu hết các quốc gia chủ yếu tập trung vào hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19, bao gồm số ca nhiễm Covid-19 còn lại, số ca nhiễm mới và/hoặc số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày, để đưa ra các quyết định liên quan như: có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 hay mất bao lâu để quốc gia có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Và chính quyền ở mỗi quốc gia thường muốn thấy số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày đã đạt đỉnh và đang giảm dần, trước khi cho phép các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.

Nhóm nghiên cứu kinh tế của VinaCapital cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19 nhờ các biện pháp y tế cộng đồng nhanh chóng và quyết liệt, và hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Do đó, Việt Nam sẽ cần cân nhắc các yếu tố khác bên cạnh hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19 để xem xét lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.

Một yếu tố mà Việt Nam có thể tập trung vào là sự ổn định liên tục của đường cong biểu đồ số ca nhiễm còn lại, với quy ước rằng số lượng các ca nhiễm mới không vượt quá nhiều so với số ca hồi phục hàng ngày.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét 2 yếu tố dưới đây - được các quốc gia trên thế giới sử dụng để quyết định lộ trình mở cửa lại nền kinh tế, bên cạnh tiêu chí hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19, đó là khả năng theo dõi và kiểm soát Covid-19 và năng lực của hệ thống y tế cả nước để xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm Covid-19

Với tiêu chí đầu tiên, Việt Nam đã cho thấy khả năng rất tốt của chính quyền trong việc theo dõi và kiểm soát Covid-19.

Về tiêu chí thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới dường như không có đủ năng lực xét nghiệm virus cho đến cuối năm 2020 ngoại trừ Hàn Quốc.

Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi tương đối yếu (dù hệ thống y tế Việt Nam mạnh hơn nhiều khu vực, đặc biệt là so với khu vực Mỹ Latinh), nhưng bù lại Việt Nam có những lợi thế đặc trưng riêng.

Dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia mới nổi khác; điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và thời tiết của Việt Nam cũng đang góp phần gia tăng tỷ lệ hồi phục do Covid-19 cao hơn so với nhiều quốc gia. Ở một số quốc gia số người mắc bệnh nền hay thậm chí mắc nhiều bệnh nền cùng lúc khá cao - ví dụ như béo phì, tiểu đường và hen suyễn - khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn nhiều so với Việt Nam.

“Với Việt Nam, chúng tôi cho rằng nếu số ca nhiễm vượt trên 500 có thể được cân nhắc là một tiêu chí để các nhà hoạch định chính sách xác định xem có cần phải tái áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng nghiêm ngặt hơn không”, theo Nhóm nghiên cứu kinh tế của VinaCapital.