Sẵn sàng vốn hỗ trợ cho dự án PPP khả thi cao
Lựa chọn, chuẩn bị dự án tốt là bước đầu tiên quan trọng để bảo đảm thành công dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã huy động được nguồn lực nhất định hỗ trợ công tác chuẩn bị dự án, tuy nhiên, sự chủ động đề xuất các dự án khả thi cao của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết để từ đó dồn lực chuẩn bị những dự án tốt nhất mời gọi nhà đầu tư.
Đề bài tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư
Khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, hầu hết các dự án PPP đưa ra sơ tuyển rộng rãi trong thời gian qua đều chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia và trúng sơ tuyển, đa phần chính là nhà đầu tư lập đề xuất dự án. Sự thờ ơ của các nhà đầu tư đối với những cuộc thầu này có nhiều lý do như nhìn thấy dự án đã có chủ, bài thầu đưa ra không đủ dữ liệu… Theo nhiều chuyên gia, để các cuộc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cạnh tranh hơn, các dự án PPP phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, chuẩn mực để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy việc chuẩn bị dự án PPP vẫn là khâu yếu trong quá trình triển khai hình thức đầu tư này tại nước ta. Theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian thi hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15), Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác phát triển Pháp (AFD) đưa vào vận hành nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư PPP (gọi tắt là PDF) trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ đối tác công tư (P3SP). Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát các dự án PPP có nhu cầu sử dụng nguồn vốn PDF. Qua đó, Bộ đã tổng hợp được hơn 300 dự án do các bộ, ngành, địa phương đề xuất. Tuy nhiên, thực tế sàng lọc và lựa chọn dự án cho thấy, số lượng dự án phù hợp để cấp nguồn vốn PDF là rất hạn chế, chỉ 5 dự án trong tổng số hơn 300 dự án.
Lý do là vì việc đề xuất dự án chủ yếu căn cứ nhu cầu vốn đầu tư mà chưa căn cứ vào khả năng triển khai dự án theo hình thức PPP. Các dự án được đề xuất hầu hết chỉ đơn thuần là danh mục (tên) mà chưa được nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu sơ bộ song tính khả thi không cao. Thực tế cho thấy, các dự án khả thi cao đều đã được các nhà đầu tư đề xuất thực hiện.
Sẵn sàng nguồn lực chuẩn bị dự án
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017, Nhóm cơ sở hạ tầng của VBF cho biết, hiện các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện chuẩn bị dự án, đặc biệt là báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 4/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, thay thế NĐ 15. Theo đó, Nghị định mới tiếp tục kế thừa quy định về việc chuẩn bị dự án PPP phải đồng thời bảo đảm các yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án theo tinh thần NĐ 15.
Nhằm thúc đẩy việc bảo đảm các yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định của Nghị định 63/2018 có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, Bộ KH&ĐT đã thống nhất với ADB và AFD tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của nguồn vốn PDF; đồng thời đưa vào vận hành Dự án Hỗ trợ chuẩn bị các dự án PPP (gọi tắt là AP3F) do ADB trực tiếp quản lý. Nguồn vốn AP3F có tổng giá trị 73 triệu USD, do ADB và Chính phủ các nước Nhật, Canada, Australia đồng tài trợ cho các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Bộ KH&ĐT, PDF và AP3F được sử dụng để thuê tuyển các hãng tư vấn có uy tín thực hiện hoạt động cụ thể gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập báo cáo nghiên cứu khả thi; triển khai giao dịch huy động vốn (lựa chọn nhà đầu tư, điều phối các hoạt động để ký kết hợp đồng vay vốn). Tương tự các quỹ có cùng mục tiêu tại một số nước, nhà đầu tư trúng thầu phải hoàn trả phần vốn đã sử dụng. Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT (đối với PDF) hoặc Ủy ban Quản lý nguồn vốn (đối với AP3F) sẽ xem xét theo từng dự án cụ thể.
Để triển khai hiệu quả hai nguồn vốn sẵn có nêu trên, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án đã được Bộ KH&ĐT sơ bộ đánh giá. Trên cơ sở đó, đề xuất các dự án PPP tiềm năng, phù hợp với yêu cầu của hai nguồn vốn, trên tinh thần khắc phục tối đa các hạn chế trong công tác đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn PDF.
Nguồn lực hỗ trợ cho công tác chuẩn bị dự án PPP đã sẵn sàng. Lúc này, rất cần các bộ, ngành, địa phương đề xuất các dự án phù hợp để đầu tư PPP, trên tinh thần dự án khả thi cao, có khả năng hoàn vốn thì ưu tiên đưa ra mời gọi đầu tư.