PPP và những kỳ vọng thay đổi

PV.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã có những bước cải cách mạnh mẽ, giải quyết một số bất cập phát sinh trong thực tiễn trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, PPP không còn là một khái niệm mới tại Việt Nam. Từ năm 1993, Chính phủ đã có Nghị định số 87/CP ngày 23/11/1993 ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) tạo cơ sở pháp lý cho PPP tại Việt Nam. 

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP nhằm quy định quy trình, thủ tục thực hiện một dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhiều dự án PPP thực hiện trong giai đoạn này đồng thời cũng lần đầu tiên thực hiện các thủ tục liên quan đến lập kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công năm 2014.

Với các văn bản quy phạm pháp luật trên đã giúp cho việc đầu tư theo  hình thức PPP thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế đến từ những nguyên nhân như sự bất hợp lý về quy định liên quan đến dự án PPP, đặc biệt là quy định về chủ trương đầu tư dự án PPP; nguồn lực tài chính bố trí để chuẩn bị dự án và phần Nhà nước tham gia vào các dự án PPP hạn chế; năng lực của các tổ chức đầu mối, cán bộ thực hiện dự án PPP còn thiếu và yếu...

Trước những thực trạng trên, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án PPP. Đồng thời, tăng hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án, hiệu lực quản lý trong thời gian tới.

Theo đó, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP, bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công. 

Cụ thể, trình tự thực hiện dự án gồm: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết đinh chủ trương đầu tư và công bố dự án; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức chọn nhà đầu tư; đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng dự án và cuối cùng là triển khai thực hiện dự án, quyết toán, chuyển giao công trình.

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã xác định rõ dự án nhóm C không phải lập thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải công bố dự án sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.

Căn cứ yêu cầu thực tế của dự án PPP, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định việc tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán nhưng phải đảm báo tính cạnh tranh rộng rãi trong đấu thầu. Các bộ, cơ quan ngang nộ hướng dẫn thực hiện nội dung này trong phạm vi quản lý của mình.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư.

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20%, đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10%. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. 

Đối với hợp đồng BT, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu nếu có theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác…

Ngoài ra, mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. 

Với những quy định mới, Nhà nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ.