Sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2016
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Bảy ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%.
Tính chung 7 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2015[3]. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 6,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,7%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 15,5%; dệt tăng 15,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,2%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,2%; sản xuất thuốc lá tăng 3%; khai thác than tăng 2,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,3%.
Trong 7 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 79,3%; thép cán tăng 23,5%; ô tô tăng 22%; thức ăn cho gia súc tăng 19,7%; sắt, thép thô tăng 17,4%; xi măng tăng 15,7%; thép thanh, thép góc tăng 15,5%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 14,8%. Một số sản phẩm tăng khá: Điện sản xuất tăng 11,2%; sữa bột tăng 11,2%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Quần áo mặc thường tăng 5,2%; thuốc lá điếu tăng 3%; than đá tăng 1,4%; xe máy giảm 1,2%; giày, dép da giảm 1,3%; phân u rê giảm 2,1%; đường kính giảm 5,5%; dầu thô khai thác giảm 6,8%; phân hỗn hợp (NPK) giảm 7,6%; điện thoại di động giảm 8,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 34,9%; Quảng Nam tăng 34,2%; Hải Phòng tăng 16,1%; Cần Thơ tăng 11,5%; Đà Nẵng tăng 11,5%; Bắc Ninh tăng 9,7%; Bình Dương tăng 8,5%; Đồng Nai tăng 8%; Hải Dương tăng 7,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,1%; Hà Nội tăng 6,8%; Vĩnh Phúc tăng 5,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2016 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,1%). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 16,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,1%; sản xuất kim loại tăng 11,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10,6%; sản xuất đồ uống tăng 10,1%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất trang phục tăng 6,5%; dệt tăng 6,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 2%; sản xuất thuốc lá tăng 1,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/7/2016 tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng thời điểm năm 2015), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 4,5%; sản xuất đồ uống giảm 6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 12,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 20%; sản xuất thuốc lá giảm 29,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 47,1%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất xe có động cơ tăng 120,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 89,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 25%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,6%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,9%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2016 là 70%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 131,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 107,5%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2016 tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,2%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 4,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2016 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương như sau: Thái Nguyên tăng 34,1%; Hải Phòng tăng 10,7%; Vĩnh Phúc tăng 10,1%; Bình Dương tăng 7,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,2%; Đồng Nai tăng 5,4%; Đà Nẵng tăng 3,2%; Quảng Nam tăng 3,1%; Hải Dương tăng 2,7%; Hà Nội tăng 1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9%; Cần Thơ giảm 0,1%; Quảng Ngãi giảm 4,1%.