Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục khởi sắc
Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2024 tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng tích cực.
Chiều 23/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, thông tin về tình hình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Về xuất nhập khẩu, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Về thị trường trong nước, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Một số địa phương, chủ yếu là các địa phương trọng điểm về du lịch có doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,4%; TP. Hải Phòng tăng 9,3%; TP. Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%...
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến thúc đẩy các động lực tăng trưởng, Vụ trưởng Bùi Huy Sơn cho hay, đối với xuất khẩu, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch nhằm đảm bảo độ ổn định và mang lại giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thúc đẩy ký kết sớm các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định có ưu đãi cao để mở ra thị trường mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ngành Công Thương cũng bảo vệ các doanh nghiệp qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, công nhận các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia để giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu...
Với thị trường tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định hàng hoá thiết yếu như: điện, xăng dầu... cho đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các chương trình kích cấu tiêu dùng, khuyến mãi, triển lãm quy mô quốc tế, phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cùng với khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Bộ Công Thương cũng có các công cụ giám sát đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng...