Sản xuất nhộn nhịp đầu năm
(Tài chính) Không khí lao động tại các doanh nghiệp đã rộn ràng trở lại sau những ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ. Nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan đặt chỉ tiêu tăng trưởng với kỳ vọng một năm mới đầy hứa hẹn.
Nghỉ vậy là đủ rồi...
Sáng mùng 6 Tết, dọc con đường tỉnh lộ 10 nối dài từ quận Bình Tân TP. Hồ Chí Minh về huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh “dời đô” về sản xuất, kinh doanh - chen lẫn trong dòng người đi du xuân, rất đông các tốp công nhân với đủ sắc màu đồng phục hối hả bước vào các nhà máy.
Mới 7 giờ sáng, đường vào cổng khu công nghiệp Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa đã tấp nập xe đưa rước công nhân mang biển kiểm soát từ TP. Hồ Chí Minh đến. Theo một số xe đang chở công nhân vào đường số 3, khu công nghiệp Tân Đức là Khu liên hợp sản xuất Liksin, tại đây, không khí làm việc diễn ra khẩn trương. Hàng loạt xe nâng hàng, xe tải đang khởi động chờ sẵn ở các sân nhà máy, chuẩn bị chuyên chở những chuyến hàng đầu năm…
Bên trong Nhà máy An Lạc thuộc Tổng Công ty Liksin, khoảng 70 công nhân đang tất bật với những công đoạn đầu tiên cho việc in nhãn bao bì. Anh Lương Đình Văn, công nhân dây chuyền in nhãn hàng cho biết, nhà ở quận 5, buổi sáng theo xe đưa rước công nhân đến làm việc ngày đầu xuân và đang vận hành mã hàng đầu tiên. “Vừa vào nhà máy, chúng tôi được lãnh đạo công ty lì xì, gặp gỡ đồng nghiệp chúc tết, sau đó cùng bắt tay vào làm việc nên cảm thấy rất vui”, anh Văn nói.
Làm việc ở khâu quản lý chất lượng kế bên, chị Nguyễn Thị Thanh Vân nói: “Nhà chúng tôi ở Tiền Giang, lên nhà trọ ở TP. Hồ Chí Minh từ hôm mùng 5. Mấy ngày nay nghỉ tết nhớ đồng nghiệp, nhớ công việc nên hôm nay gặp lại cùng hỏi han nhau và được làm việc trở lại nên cảm thấy rất vui, không còn nghĩ đến tết nữa”. Giám đốc Nhà máy An Lạc Nguyễn Ngọc Minh Thy cho biết, do chia ca nên trong buổi chiều 50 công nhân của nhà máy cũng như hơn 1.000 công nhân trong Khu liên hợp Liksin đều ra quân sản xuất đầu năm nhằm đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng.
Chiều mùng 6 và sáng mùng 7 Tết, quanh các khu công nghiệp như Tân Tạo quận Bình Tân, Tân Bình quận Tân Phú, Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh hay các cụm công nghiệp tại quận 12, Hóc Môn TP. Hồ Chí Minh… không khí làm việc đã nhộn nhịp trở lại. Quan sát từ bên ngoài, tại các khu vực để xe của công nhân tại các công ty đã khá đông. Tại Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Satimex thuộc Công ty CP Savimex tại quận 12, Thủ Đức có khoảng 700/1.400 công nhân đã có mặt.
Công nhân Trần Hoàng Phúc, phân xưởng 3-Jprint, Nhà máy Satimex tâm sự: “Nghỉ tết bấy nhiêu đó đủ rồi. Mấy năm gần đây thời gian nghỉ tết kéo dài, ở nhà riết không biết đi đâu, đi làm lại sớm cảm thấy thoải mái hơn. Bấy nhiêu ngày nghỉ tết cũng đủ để chúng tôi cùng gia đình nghỉ ngơi, thăm hỏi nhau”. Theo Giám đốc Savimex Bùi Tiến Dũng, nguyên nhân ngày ra quân đầu năm nhưng công nhân chưa tham gia đủ số lượng là do trước khi nghỉ tết, đơn vị cho anh em tự đăng ký lịch nghỉ và đi làm lại sau tết. Đa phần anh em công nhân ở các tỉnh xa đều đăng ký xin đi làm trễ, nhưng chậm nhất cũng chỉ một vài ngày sau là có mặt đông đủ.
Ông Bùi Tiến Dũng cho biết, trong năm 2013 dù khó khăn, trong đó tỷ giá gây bất lợi cho việc sản xuất kinh doanh nhưng doanh thu của Satimex vẫn đạt mức 99,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua năm 2014, với việc đã và đang đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hiện đại cùng với việc mở rộng kênh vệ tinh, chọn những doanh nghiệp có uy tín gia công những phần phụ, đồng thời huấn luyện, bồi dưỡng thêm tay nghề cho cán bộ, công nhân viên, đơn vị đặt mục tiêu tăng doanh thu đạt mức khoảng 21 triệu USD.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh Thy cho biết, năm 2013 doanh thu của doanh nghiệp vượt 120% kế hoạch. Qua năm 2014, sẽ đưa doanh thu của đơn vị tăng trưởng trên 15%, trong đó triển khai tốt chiến lược do tổng công ty đưa ra. Để thực hiện được mục tiêu này, đơn vị phải xây dựng tốt chiến lược theo nhóm gồm các điểm chính như tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, học hỏi và phát triển. “Trong nhóm này, quan trọng nhất là khách hàng. Do đó, phải xây dựng được xu hướng, phát triển khách hàng; đồng thời khai thác hiệu quả các mặt hàng tiềm năng và duy trì phát triển bạn hàng cũ và mới...” - ông Thy chia sẻ.
Theo ông Đỗ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Giấy Việt Trung, với biến động của tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước hiện nay đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho hầu hết các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực bao bì giấy. Tuy nhiên, bằng mọi giải pháp từ tiết kiệm các chi phí đến giảm lợi nhuận, thậm chí huề vốn hoặc lỗ chút ít doanh nghiệp cũng buộc phải duy trì để tồn tại nhằm củng cố, giữ bạn hàng cũng như nuôi sống đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
“Theo tôi, các doanh nghiệp trong nước cần đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, tránh bị doanh nghiệp ngoại gây sức ép, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang gia nhập sâu vào “sân chơi” thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng cường việc tương thân tương ái, giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Bởi thực tế, dù trải qua giai đoạn hiện nay doanh nghiệp rất khó khăn nhưng nhiều mảnh đời còn khó khăn hơn, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp” - ông Đỗ Thanh Hùng tâm sự.