Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 4 tháng đầu năm 2018
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 3.121 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,2% cùng kỳ năm trước.
Các địa phương phía Bắc đến nay cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.147,9 nghìn ha, bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 524,8 nghìn ha, bằng 97,9% (giảm 11,5 nghìn ha) do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác.
Hiện nay thời tiết tương đối thuận lợi, lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương phía Nam gieo trồng được 1.973,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,2% cùng kỳ năm 2017.
Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.525,1 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 77,3% diện tích xuống giống và bằng 94,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.401,4 nghìn ha, chiếm 89,1% và bằng 95,4%.
Dự kiến đến đầu tháng Năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch xong lúa đông xuân, các vùng còn lại tiếp tục thu hoạch đến cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 67,1 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt gần 10,6 triệu tấn, tăng 668,1 nghìn tấn.
Trên những diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch, các địa phương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để xuống giống vụ hè thu.
Tính đến ngày 15/4, các địa phương phía Nam gieo sạ được 459,8 nghìn ha lúa hè thu, bằng 81,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 453,1 nghìn ha, bằng 81,7%, chủ yếu do ảnh hưởng từ tiến độ gieo trồng vụ đông xuân năm nay ở một số vùng chậm hơn cùng kỳ.
Dự báo vụ hè thu năm nay gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài nên ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ lịch thời vụ xuống giống, đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới và theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh.
Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 416,7 nghìn ha ngô, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước; 66,4 nghìn ha khoai lang, bằng 92,5%; 118,7 nghìn ha lạc, bằng 85,9%; 31,8 nghìn ha đậu tương, bằng 108,5%; 560,6 nghìn ha rau đậu, bằng 100,7%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả. Ước tính tháng Tư, đàn trâu cả nước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,9%; đàn gia cầm tăng 6,8%; đàn lợn giảm 5,8%. Tính đến ngày 25/4/2018, cả nước không còn dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng.
Lâm nghiệp
Trong tháng Tư, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 19,6 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,1 triệu cây, giảm 6,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.097 nghìn m3, tăng 13%; sản lượng củi khai thác đạt 2,1 triệu ste, tương đương cùng kỳ năm 2017.
Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 48,3 nghìn ha, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số tỉnh có diện tích giảm mạnh: Hà Giang giảm 91,8%; Bắc Kạn giảm 85,7%; Thanh Hóa giảm 26%; Lạng Sơn giảm 18,8%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,5 triệu cây, giảm 0,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.025 nghìn m3, tăng 9,6%; sản lượng củi khai thác đạt 9 triệu ste, tăng 0,6%.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường. Trong tháng Tư, cả nước có 114 ha rừng bị thiệt hại, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 39 ha, giảm 4,6%; diện tích rừng bị chặt phá là 75 ha, giảm 57,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 308 ha, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 92 ha, giảm 33,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 216 ha, giảm 22,6%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Tư ước tính đạt 704,2 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 549,8 nghìn tấn, tăng 5%; tôm đạt 61,7 nghìn tấn, tăng 6,4%; thủy sản khác đạt 92,7 nghìn tấn, tăng 2,1%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 395,3 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 308,4 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 47,8 nghìn tấn, tăng 7,7%; thủy sản khác đạt 39,1 nghìn tấn, tăng 4%.
Nuôi cá tra gặp thuận lợi, giá cá tra liên tục ở mức cao, người nuôi đang có lãi. Sản lượng cá tra trong tháng ước tính đạt 111 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 32 nghìn tấn, tăng 4,3%; An Giang đạt 24,8 nghìn tấn, tăng 5%; Cần Thơ đạt 16 nghìn tấn, giảm 0,6%.
Nuôi tôm nước lợ những tháng đầu năm khá thuận lợi, giá tôm ổn định, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh. Sản lượng tôm sú tháng Tư ước tính đạt 20 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 22,8 nghìn tấn, tăng 9,1%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tư ước tính đạt 308,9 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 241,4 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 13,9 nghìn tấn, tăng 2,2%. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 294 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 231,4 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 12,8 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.090,6 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.006,1 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.084,5 nghìn tấn, tăng 3,2% (sản lượng khai thác biển đạt 1.034,8 nghìn tấn, tăng 3,3%).