Sản xuất nông nghiệp: Ai đang làm chủ "cuộc chơi"?

Theo An Hòa/nhadautu.vn

Trong khó khăn do đại dịch COVID-19, nông nghiệp vẫn tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, do nguyên liệu, vật tư đầu vào, thị trường đầu ra đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài nên ngành sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức.

 Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá đầu ra sụt giảm đã cho làm người chăn nuôi thua lỗ đậm. Ảnh TL
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá đầu ra sụt giảm đã cho làm người chăn nuôi thua lỗ đậm. Ảnh TL

Lợi thế chưa thuộc về sân nhà

Nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng giá “chóng mặt” trong khi giá cả đầu ra thì vẫn bấp bênh, không tăng tương ứng, thậm chí còn sụt giảm mạnh đã làm cho người nông dân chưa an tâm sản xuất trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Khủng hoảng khí đốt khiến giá khí sản xuất phân bón tăng cao cùng với chi phí logistics tăng gấp 5 - 10 lần đã đưa giá phân u-rê trên thế giới tăng đến mức kỷ lục, tiệm cận mức 1.000 USD tấn.

Thị trường phân bón trong nước cũng tăng liên tục, trong cả năm 2021 với mức tăng gần 100%. Nếu như hồi đầu năm giá bán lẻ phân u-rê vào khoảng 7.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 14.000 đồng – 15.000 đồng/kg. các loại phân bón vô cơ khác như SA, DAP từ đầu năm khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 17.000 đồng – 24.000 đồng/kg.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp, Phát triển nông thôn Việt Nam, hiện nay thị trường phân bón trong nước vẫn còn phục thuộc nhiều vào nhập khẩu và nhập nhiều nhất từ Trung Quốc trong khi quốc gia này đã ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu và áp thuế 30% đối với phân bón đã làm cho nguồn cung ít, giá tăng. Về sản xuất phân bón trong nước, theo công suất thiết kế thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất phân u-rê đủ cung cấp trong nước (trên 2 triệu tấn/năm) nhưng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, cả 4 nhà máy sản xuất phân u-rê đều không thể chạy hết công sức, do vậy nguồn cung phân u-rê không đủ đáp ứng.

Tương tự như ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng rơi vào cảnh lao đao khi mà giá đầu ra giảm mạnh nhưng giá đầu vào thì lại tăng cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, từ tháng 7 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm khoảng 40% nhưng giá gà thịt lại giảm đến 70 – 80%, khiến những hộ chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng.

Giá đầu vào tăng cao, giá đầu ra giảm cũng làm cho nhiều hộ chăn nuôi lợn rơi vào thế hết sức khó khăn, không còn đủ vốn để đầu tư tái sản xuất.

“ Giá thành sản xuất lợn hiện nay vào khoảng 45.000 - 50.000 đg/kg nên mặc dù giá lợn hơi đã tăng trở lại nhưng cũng chỉ mới bằng giá thành sản xuất, điều này khiến người nuôi lợn không có tích lũy, rủi ro rất lớn nếu không may xảy ra dịch bệnh trên gia súc thì không còn vốn để tái đàn”, ông Sơn phân tích.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng, năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã đạt trên 4 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu vào năm 2021 này.

Còn theo số liệu của Cục thống kê, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, năm 2020 Việt Nam chi trên 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, dự báo năm 2021 nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng sẽ đã đạt tương đương so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, cả nước có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài, 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực này chỉ chiếm tỷ lệ 32%, nhưng đang nắm giữ đến 65% thị phần; doanh nghiệp trong nước dù chiếm 68% nhưng chỉ nắm giữ 35% thị phần. Đáng quan tâm là thị phần cung cấp thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp nội đia đang bị thu hẹp dần khi doanh nghiệp nước ngoài liên tục tăng quy mô, mở rộng thị phần.

Để giảm phụ thuộc nhập khẩu

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, mỗi năm ngành chăn nuôi và thủy sản cần tới 32 - 33 triệu tấn thức ăn các loại, trong đó, hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu có sẵn để phối trộn, còn lại hơn 26 triệu tấn là do các doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là ngành thức ăn chăn nuôi còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu với nhu cầu nhập khẩu hàng năm trên 20 triệu tấn. Lý do là giá nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc như ngô, đậu tương… sản xuất trong nước đang cao hơn so với nhập khẩu.

Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Chăn nuôi, xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất, đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, chế biến sâu, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, nuôi côn trùng để lấy protein thay thế cho bột cá, khô dầu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua tiêu hóa của côn trùng.

“Nước ta có trên 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó gần 90 triệu tấn có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc, thay thể một phần nguyên liệu phải nhập khẩu, đây là tiềm năng to lớn chưa được khai thác hiệu quả.

Về giải pháp trước mắt nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chính phủ về đề xuất giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống 3%; đậu tương từ 3% xuống 0%”, ông Chinh cho biết.

Về việc giảm chi phí phân bón trong lĩnh vực trồng trọt, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam thì bên cạnh khuyến cáo nông dân tiết giảm tối đa phân bón vô cơ, tăng bón phân hữu cơ, Chính phủ cũng cần đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật thuế 71 đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 0% để nguyên liệu đầu vào được khấu trừ thuế nhằm giảm giá phân bón sản xuất trong nước, kích thích các nhà máy tăng sản xuất tự chủ được nguồn phân bón nội địa, giảm phụ thuộc quá nhiều vào phân bón nhập khẩu.