Sang Lào “chơi” chứng khoán

Theo Đầu tư

ột số nhà đầu tư đang hăm hở rủ nhau “ngắm” các cổ phiếu của thị trường chứng khoán Lào vừa mở cuối năm 2010, đồng thời đón đầu thị trường Campuchia sắp mở vào giữa năm nay.

Thị trường chứng khoán Lào, được khai trương tại Thủ đô Vientiane vào tháng 10/2010, là liên doanh giữa Lào và Hàn Quốc, trong đó Lào sở hữu 51% và Hàn Quốc sở hữu 49%.

Sau khi thị trường chứng khoán Lào khai trương, một số đợt phát hành đã diễn ra khá suôn sẻ, thu hút được sự tham gia đông đảo của giới đầu tư.

Chẳng hạn, Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), một trong những ngân hàng hàng đầu của Lào và cũng là đơn vị đầu tiên trên thị trường chứng khoán Lào, vừa bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Không khí đấu giá BCEL cũng sôi nổi, hào hứng và lạ lẫm như thị trường chứng khoán Việt Nam hơn mười năm về trước. BCEL đã hoàn thành IPO, với gần 20,5 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ và giá đấu thành công trung bình là 5.910 kip/cổ phiếu, tương đương 15.660 đồng Việt Nam. Số lượng đăng ký mua nhiều hơn gấp rưỡi số lượng chào bán.

Tuy nhiên, danh hiệu “thị trường chứng khoán trẻ tuổi nhất” của Lào có thể sẽ chỉ kéo dài thêm khoảng nửa năm nữa, do thị trường chứng khoán của nước bạn Campuchia dự kiến sẽ ra đời vào tháng 7/2011. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Campuchia (SECC) đang trong quá trình nhận hồ sơ cấp phép cho các công ty định giá và công ty định giá độc lập cung cấp dịch vụ trong ngành chứng khoán.

Ông Đỗ Ngọc Anh, một trong những nhà đầu tư kỳ cựu của thị trường chứng khoán Việt Nam chia sẻ, cũng giống như thị trường chứng khoán Việt Nam những năm đầu đi vào hoạt động, các thị trường chứng khoán mới như Lào và Campuchia có thể sẽ có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

“Tôi sẽ tìm hiểu các cơ hội tại 2 thị trường mới này vì lợi nhuận ở các thị trường mới thường sẽ cao hơn so với các thị trường đã bắt đầu ‘bão hoà nguồn cung’ như Việt Nam”, ông Ngọc Anh nói.

Không chỉ ông Ngọc Anh, nhiều nhà đầu tư khác cũng cho biết đang tìm kiếm thông tin và cách thức đầu tư vào các thị trường Lào và Campuchia. Tuy nhiên, phần lớn số họ đều cho biết sẽ không rút vốn tại thị trường Việt Nam, mà chỉ đầu tư thêm với một tỷ lệ khá thận trọng.

Ông Trần Anh Khoa, một nhà đầu tư khác cho biết, ông sẽ chỉ dành 15 – 20% tổng tài sản để đầu tư vào thị trường Lào. Theo ông Khoa, đó là một tỷ lệ hợp lý, đảm bảo được sự an toàn cần thiết, bởi dù sao, đây là một kênh đầu tư mới, tuy hứa hẹn lợi nhuận cao, nhưng vẫn khá lạ lẫm và cũng chưa biết mức độ rủi ro thế nào.

Nắm được nhu cầu “xuất ngoại” của các nhà đầu tư Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã khá nhanh nhạy trong việc đón bắt cơ hội kinh doanh tại các nước láng giềng gần gũi này.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) sau khi thành lập Công ty Chứng khoán Lane Xang tại Lào cũng đã tiếp tục đón đầu sự ra đời của thị trường chứng khoán Campuchia bằng việc thành lập công ty chứng khoán tại quốc gia này.

Ông Trần Minh Trung, Tổng giám đốc SBS – Campuchia cho biết, SBS tại Campuchia sẽ đưa ra dịch vụ chuẩn cung cấp cho cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam có nhu cầu đầu tư vào Campuchia.

Ngoài SBS, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng là một tổ chức tài chính sớm “tiến quân” sang thị trường tài chính Lào và Campuchia. MB mới khai trương hoạt động Chi nhánh Lào (MB Lào), với vốn đầu tư ban đầu 12 triệu USD. MB Lào sẽ phục vụ các đối tượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, các doanh nghiệp và pháp nhân Lào, các khách hàng cá nhân là người Việt Nam tại Lào và người Lào.