Sáp nhập ngân hàng: “Cá lớn dìu cá bé”
(Tài chính) Vietcombank "hở” thông tin sẵn sàng nhận ngân hàng khác nhập vào, Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) xin xây dựng một mô hình ngân hàng nằm trong ngân hàng Vietinbank… Thị trường tài chính ngân hàng đang sôi sục các phi vụ liên quan đến mua bán – sáp nhập.
Khẳng định là "chưa có gì chắc chắn” về phương án sáp nhập vào VietinBank, song Chủ tịch thành viên Hội đồng quản trị PG Bank cho biết, PG Bank mong muốn sáp nhập với một tổ chức tín dụng phù hợp và không loại trừ khả năng này sẽ diễn ra trong năm 2014. Dĩ nhiên, để sáp nhập, ngoài sự nhất trí của Hội đồng quản trị và cổ đông hai bên, PG Bank và VietinBank còn phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Danh tính các thương vụ mua bán – sáp nhập của các ngân hàng lớn cũng dần được hé ra. Theo đó ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có thể cũng sẽ dìu dắt một ngân hàng thương mại nhỏ khác.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào kỳ đại hội cổ đông 2014 (ngày 19/4). Theo đó, Ngân hàng TMCP Phát triển MeKong (MDB) và Maritime Bank sẽ được quy về một mối. Trước đó nữa, thị trường tài chính sôi động với những tính toán được mất khi Southern Bank nhập vào Sacombank
Năm 2014 được nhìn nhận là năm nóng của hoạt động mua bán sáp nhập ở khối tài chính – ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng cho biết, dự kiến năm 2014 sẽ tiếp tục xử lý 6-7 ngân hàng yếu kém thông qua việc hợp nhất, sáp nhập.
Như vậy, tính ta ra từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng yếu kém. Hiện ngân hàng thứ 9 trong 9 ngân hàng phải tiến hành tái cơ cấu đợt 1 là Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) đang trong quá trình hoàn tất đàm phán để bán 100% cho ngân hàng nước ngoài.
Diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ cho thấy, hoạt động mua bán sáp nhập đang mở ra nhiều hình thức mới. Nếu như Tín Nghĩa, Đệ Nhất tự hợp nhất cùng SCB thì nay hoạt động tái cơ cấu điều chỉnh theo hướng ngân hàng lớn cùng tham gia vào công tác tái cấu trúc ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng lớn sẽ dìu dắt ngân hàng nhỏ để hỗ trợ về công tác xử lý nợ xấu, thanh khoản, nghiệp vụ.
Trên thực tế, hoạt động mua bán-sáp nhập không chỉ là một kênh đầu tư thuần túy mà còn trở thành giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư. Các ngân hàng liên tiếp đưa ra thông tin về tiến trình sáp nhập là biểu hiện về tái cấu trúc mạnh mẽ.
Chuyên gia ngành tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần có thêm nhân tố mới, chất xúc tác mới để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Việc ngân hàng nhỏ xin được về với ngân hàng lớn là điều dễ hiểu vì bối cảnh cạnh tranh của ngành ngày càng phức tạp.
Nhưng khi nhận ngân hàng yếu về nhà liệu có là gánh nặng đối với ngân hàng mạnh? Theo phân tích, nguyên tắc của cơ quan quản lý là không cho tổ chức tín dụng yếu "chết”. Ngân hàng yếu bắt buộc phải hồi sinh với hình hài khác dưới một ngân hàng mạnh hơn. Chuyện ngân hàng lớn trong thời gian đầu sáp nhập phải gánh thêm các chi phí về quản lý, nhân sự, xử lý nợ xấu là có. Nhưng ngược lại ngân hàng mạnh lại tận dụng cơ hội mở rộng thêm mạng lưới. Đặt ngược trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng muốn mở thêm chi nhánh thì phải được phép của NHNN. Khi nhận ngân hàng yếu về làm "con nuôi” cũng có điều hay.
Nói thêm về trường hợp, PG bank muốn trở thành ngân hàng con trong ngân hàng lớn Vietinbank, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực trả lời trên báo chí: mô hình này cũng từng xảy ra tại Mỹ. Khi đó, ngân hàng sáp nhập được coi là chi nhánh của ngân hàng mẹ. Đương nhiên, ngân hàng mẹ sẽ có cách để tận dụng, kết hợp đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất… của ngân hàng sáp nhập. Với PG Bank và VietinBank, nếu khả năng sáp nhập này thì việc cho phép PG bank giữ lại thương hiệu hay không là quyết định của chính người trong cuộc.
Nhìn nhận về sức khỏe của các ngân hàng, ông Lực cho rằng, vẫn chưa đồng đều. Có ngân hàng mạnh, có ngân hàng yếu, có ngân hàng thanh khoản tốt, có ngân hàng thanh khoản còn trồi sụt.