Sáu nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường vốn năm 2024
Nhằm phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK), Bộ Tài chính đưa ra một số nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt chú trọng và tập trung tăng cường quản lý giám sát, thanh tra...
Theo Bộ Tài chính, nền kinh tế trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và dự báo nhiều khó khăn trong năm 2024, qua đó tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp.
Do đó, việc phát triển thị trường vốn cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hành, đặc biệt chú trọng và tập trung tăng cường quản lý giám sát, thanh tra đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Tài chính nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển TTCK, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế.
Thứ nhất, về tổ chức thị trường, Bộ Tài chính phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán nhằm cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân; tập trung giám sát, kiểm tra các hoạt động cho vay ký quỹ, các dịch vụ tài chính, đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định pháp luật tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Thứ hai, cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường; xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.
Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính và giám sát, xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên.
Thứ tư, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty này để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thanh tra, giám sát.
Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các kết quả tăng trưởng kinh tế trên nhiều mặt, giúp công chúng đầu tư tiếp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường. Đặc biệt, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường các công tác truyền thông sâu rộng về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ, góp phần định hình kỳ vọng của thị trường, giúp nhà đầu tư hiểu rõ định hướng chính sách và chủ động trong các quyết định đầu tư, tránh gây các cú sốc đáng kể trên thị trường.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 3580/VPCP-KTTH ngày 02/10/2023. Căn cứ các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường để phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, an toàn, bền vững nhằm điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản; điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất hợp lý hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, đề xuất các chính sách để các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp tục đàm phán, cơ cấu lại, hoán đổi trái phiếu lấy tài sản với nhà đầu tư, đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp nghiêm túc, có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường nhằm ổn định tâm lý thị trường, xử lý các tin xấu độc, không chính thống ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường...