SCIC được quyền mua lại phần vốn Nhà nước chưa thoái hết

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) SCIC ngoài việc được tham gia mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), mua số cổ phần chào bán qua đấu giá không bán hết, trong trường hợp phần vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành không thoái hết, SCIC cũng được quyền mua lại.

 SCIC được quyền mua lại phần vốn Nhà nước chưa thoái hết
Trong trường hợp phần vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành không thoái hết, SCIC cũng được quyền mua lại. Nguồn: internet

Những nội dung này được quy định cụ thể tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm đầu tuần.

Cụ thể theo Quyết định này, SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp Nhà nước, không bao gồm các doanh nghiệp độc lập 100% vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện cổ phần hóa là đối tượng chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.

SCIC tham gia thoái vốn tại DNNN

Liên quan đến vấn đề thoái vốn Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách vẫn không bán được hoặc không bán hết, Quyết định 51 cho phép doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét, thỏa thuận mua lại.

Giá SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận được với SCIC việc chuyển nhượng số cổ phần, phần vốn nhà nước thì chủ sở hữu vốn nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực bảo hiếm, ngân hàng, SCIC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP để xem xét, quyết định mua lại.

Mua cổ phần lần đầu bằng giá đấu thành công thấp nhất

Ngoài việc mua lại phần vốn thoái chưa hết, Quyết định 51 cũng cho phép SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương thức thỏa thuận trong trường hợp mua cổ phần trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá công khai.

Cụ thể, trường hợp có nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần trước khi bán đấu giá công khai thì SCIC mua theo giá bán thỏa thuận thành công thấp nhất cho nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược) hoặc giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường họp đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược).

Trường hợp không có nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần trước khi bán đấu giá công khai thì SCIC mua theo giá không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày hoàn tất việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hoặc từ ngày hết hạn đăng ký mua cổ phần (đối với trường hợp không có nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cồ phần), Ban Chỉ đạo cô phần hóa doanh nghiệp thông báo cho SCIC để xem xét, quyết định và hoàn tất việc mua cổ phần trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp.

Được mua lại phần vốn Nhà nước nếu bán không hết 

Bên cạnh đó, SCIC cũng được tham gia mua cổ phần sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá công khai. Trường hợp bán đấu giá cổ phần lần đầu nhưng không thành công, SCIC mua cổ phần với giá bằng mệnh giá.

Trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán qua đấu giá thì SCIC mua cổ phần với giá bằng giá đấu thành công thấp nhất (đối với trường hợp mua ngay sau khi bán đấu giá) hoặc với giá bằng giá thỏa thuận thành công thấp nhất (đối với trường hợp bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư khác nhưng không bán hết).

Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian 05 ngày kể từ ngày hết hạn đăng ký đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá không thành công) hoặc từ ngày hết hạn nộp tiền mua cổ phần (đối với trường hợp không bán hết cổ phần qua đấu giá) hoặc từ ngày hoàn tất việc bán cổ phần cho nhà đầu tư khác (đối với trường hợp bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư khác nhưng không bán hết), Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho SCIC để xem xét, quyết định và hoàn tất việc mua cổ phần trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp. 

Giá bán cổ phần ưu đãi bằng 60% giá bán cho SCIC

Trường hợp doanh nghiệp bán cổ phần cho SCIC theo quy định nhưng không bán hết thì Ban chỉ đạo cô phân hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần trước khi tố chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

Giá bán cổ phần lần đầu cho người lao động, tổ chức công đoàn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Trường hợp SCIC tham gia mua cổ phần ngay sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu nhưng không thành công và không có nhà đầu tư chiến lược mua cố phần trước khi bán đấu giá công khai thì giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn bằng 60% giá bán cổ phần cho SCIC theo quy định.